Nhập lậu nguyên liệu thuốc lá diễn biến phức tạp
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng, trong quý III/2024, hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu trên địa bàn tỉnh tiếp tục được ngăn chặn, kiểm soát ngay từ biên giới, không để hình thành các tụ điểm, đường dây buôn lậu, gây bất bình trong quần chúng nhân dân và dư luận xã hội. Tình hình kinh doanh hàng hóa nhập lậu trên thị trường nội địa diễn ra nhỏ lẻ, trị giá hàng hóa vi phạm thấp.
Đối với mặt hàng nguyên liệu thuốc lá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ có dấu hiệu tiếp tục hoạt động trở lại, do đã kết thúc thời điểm thu mua nguyên liệu thuốc lá của các doanh nghiệp đầu tư. Khu vực diễn ra hoạt động nhập lậu nguyên liệu thuốc lá tập trung tại mốc 785, thuộc địa bàn xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh. Các vụ việc chỉ diễn ra nhỏ lẻ, và mang tính chất thời vụ - lợi dụng yếu tố mực nước sông dâng cao.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm là liên lạc qua ứng dụng wechat, để thỏa thuận khối lượng, thời điểm thả hàng.
Cụ thể, phía bên kia biên giới sẽ thả các kiện nguyên liệu thuốc lá trôi theo dòng chảy của sông, hướng về phía Việt Nam. Mỗi lần thả, các đối tượng thường thả từ 4 - 6 kiện hàng được buộc lại với nhau. Có lúc có cả người trên các bao hàng, vào đến địa phận các xóm của xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh.
Các đối tượng tiến hành dùng bè, mảng hoặc bơi ra dòng sông để vớt, kéo hàng hóa vào bờ, sau đó xé lẻ và nhanh chóng mang, vác các kiện nguyên liệu thuốc lá vào trong nhà dân, tiến hành trà trộn với số nguyên liệu thuốc lá nhập lậu với số nguyên liệu thuốc lá mà người dân trồng được, nhằm hợp pháp hóa số hàng hóa nhập lậu, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Nếu bị phát hiện, ngăn chặn, truy đuổi, các đối tượng tiếp tục thả trôi sông cho đến khi được cảnh báo an toàn mới tiếp tục tấp vào bờ để tẩu tán tang vật.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng Trần Mạnh Hùng cho biết, trong quý III/2024, tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tiếp tục được ngăn chặn quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ, không diễn ra phức tạp, không có vụ việc nổi cộm.
Tỷ lệ hành vi vi phạm được phát hiện qua các cuộc kiểm tra đột xuất chiếm 76,5% (36/47 vụ vi phạm); số vụ việc vi phạm hành chính phát hiện thông qua thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ là 11 vụ (chiếm 23,5%).
Tỷ lệ số vụ việc kiểm tra đột xuất phát hiện hành vi vi phạm đạt 100% (36 vụ/36 vụ). Nhóm các hành vi vi phạm chủ yếu là: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm trong lĩnh vực đo lường, vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, vi phạm trong đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trong thị trường nội địa, qua công tác quản lý địa bàn, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời một số vụ việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tuy nhiên, đều là các vụ việc có mức vi phạm thấp, giá trị tang vật vi phạm không cao, nguồn nhập hàng của các hộ kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính chủ yếu là từ các đối tượng đến giới thiệu, giao hàng trực tiếp.
Trong quý III, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường Cao Bằng đối với các đơn vị trực thuộc được thực hiện sâu sát, quyết liệt, hiệu quả. Qua đó đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng.
Kết quả, quý III, lực lượng quản lý thị trường Cao Bằng tiến hành kiểm tra 217 vụ; số vụ thuộc thẩm quyền xử lý 49 vụ. Tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 430 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 196 triệu đồng.
Kết quả thực hiện lũy kế năm 2024. Tổng số vụ kiểm tra 562 vụ; số vụ xử lý 232 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 2,2 tỷ đồng (bằng 111% so chỉ tiêu thi đua năm 2024, do Tổng cục Quản lý thị trường giao, đạt 88,6% mục tiêu năm 2024).
Tích cực đấu tranh chống hành vi vi phạm
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh:
Để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong quý III/2024, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Cao Bằng đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc chú trọng tuyên truyền, ký cam kết đến các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa;
Trong quý III, đơn vị đã ban hành 27 văn bản định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo các phòng tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ, các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng, lĩnh vực. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, xử lý với hàng hóa lưu thông trên thị trường, làm tốt công tác bình ổn thị trường, duy trì thực hiện tốt kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, các trường hợp vận chuyển trái phép nguyên liệu thuốc lá, gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới vào địa bàn Cao Bằng;
Đồng thời, đơn vị thực hiện tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cao Bằng, tham mưu cho Trưởng ban Chỉ đạo 389 Cao Bằng chỉ đạo các sở, ngành thành viên tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã ban hành; thực hiện đầy đủ công tác tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề theo quy định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia;
Đơn vị tiếp tục duy trì, triển khai, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan; kiểm tra nhanh về kỷ cương, kỷ luật hành chính. Thường xuyên tham gia dự họp, trao đổi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đề xuất của các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc. Theo dõi sát sao, đôn đốc, động viên kịp thời đối với từng tập thể, cá nhân trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh;
Các phòng tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ chủ động tham mưu với lãnh đạo Cục triển khai thực hiện tốt công tác hành chính quản trị, lễ tân khánh tiết, tài chính, tài sản, nghiệp vụ tổng hợp, thanh tra, pháp chế và các công việc đột xuất khác. Tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Cao Bằng, tham mưu kịp thời chỉ đạo của cấp trên về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục chính sách pháp luật tiếp tục được thực hiện đầy đủ, đúng kế hoạch đề ra, với nhiều nội dung phong phú. Kỷ cương, kỷ luật hành chính, nề nếp đi vào khuôn khổ theo các quy chế đã ban hành; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo. Công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan đã nhịp nhàng, đem lại nhiều kết quả tích cực, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương;
Công chức, người lao động có lập trường, tư tưởng, chính trị vững vàng; chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đoàn kết nội bộ, chủ động, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ trong kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, luôn nêu cao nhận thức về trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, về chức năng, nhiệm vụ.
Nguyễn Kiên