Theo ông Hùng, thực phẩm bẩn và an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Nhiều vụ thực phẩm bẩn gây hại cho sức khỏe người sử dụng đã được các cơ quan chức năng xử lý. Các cơ quan chức năng cần công bố danh tính các doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm để người tiêu dùng biết và thực hiện quyền được lựa chọn của mình.

Công bố tên cơ sở SX-KD thực phẩm bẩn để cảnh báo và bảo vệ NTD - Hình 1

Thay đổi cách tiếp cận kiểm soát ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Từ đầu tháng 2, Nghị định 15/2018 quy định chi tiết một số điều Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, trong đó thay đổi cách tiếp cận kiểm soát an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nhận xét những thay đổi của Nghị định này, sẽ giảm đáng kể thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, song ông Hùng cũng bày tỏ, quy định này có thể làm giảm hiệu quả ngăn ngừa thực phẩm bẩn. Dẫn chứng, trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay, tình trạng sử dụng hoá chất, kháng sinh ngoài danh mục, hay thuốc tăng trọng len lỏi ngay từ khâu sản xuất và khá nhức nhối. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lỏng lẻo đang khiến người dân lo lắng.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn và mô hình sản xuất tiên tiến như GMP, VietGap, HACCP, ISO,… nhằm tạo nguồn cung bảo đảm an toàn thực phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, tại hội thảo, một số ý kiến cũng chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn về an toàn thực phẩm, khẳng định tầm quan trọng của thực thi chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm đối với sức khỏe người dân hiện nay.

Linh Tuệ