Sáng 28/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Có dấu hiệu lũng đoạn, thổi giá bất động sản. Ảnh quochoi.vn
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Có dấu hiệu lũng đoạn, thổi giá bất động sản. Ảnh quochoi.vn

Sau khi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, các đại biểu đã có nhiều ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần cơ cấu lại quy hoạch và tạo quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội

Qua giám sát tại địa phương và Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, đại biểu Huỳnh Thị Phúc bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát trình Quốc hội. Báo cáo đã cung cấp thông tin chi tiết, toàn diện và đánh giá chính xác, khách quan các vấn đề còn tồn tại, đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ thực tế, đại biểu Huỳnh Thị Phúc trao đổi về 3 nội dung:

Thứ nhất, tình trạng giá bất động sản cao so với thu nhập của người dân và thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội, giá bất động sản đã vượt xa mức thu nhập của đại bộ phận người dân, tạo ra áp lực an cư xã hội lớn. Nguồn cung tập trung chủ yếu vào các dự án bất động sản cao cấp, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội lại thiếu hụt so với nhu cầu.

Thứ hai, quy hoạch và thủ tục đầu tư còn nhiều bất cập. Đại biểu cho rằng quy hoạch còn thiếu đồng bộ, thủ tục đầu tư phức tạp, dẫn đến chậm tiến độ và đội chi phí các dự án bất động sản, bao gồm cả các dự án nhà ở xã hội. Khoảng 60% dự án bất động sản gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện do vướng mắc về quy hoạch và thủ tục hành chính.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Thứ ba, về khó khăn về huy động nguồn vốn và rủi ro tài chính, đại biểu cho rằng các doanh nghiệp bất động sản nhỏ và vừa gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, một phần do thiếu tài sản bảo đảm, một phần do các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong cho vay bất động sản. Vướng mắc trong việc hoàn trả các khoản khấu trừ và nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án đối với Nhà nước, dẫn đến nhiều dự án nhà ở xã hội bị đình trệ hoặc không thể hoàn thành đúng tiến độ.

Từ phân tích trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cần cơ cấu lại quy hoạch và tạo quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội, trong đó, xây dựng quy hoạch đồng bộ, dài hạn, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu vực có nhiều khu công nghiệp, với ít nhất 30% diện tích đất phát triển bất động sản ưu tiên cho nhà ở xã hội.

Cần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện triệt để cơ chế "một cửa liên thông" trong cấp phép và tăng cường phân cấp cho địa phương trong phê duyệt dự án nhà ở xã hội.

Đại biểu cũng đề xuất thành lập quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với cơ chế quản lý phù hợp. Có chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Về hoàn thiện và cụ thể hóa các quy định pháp luật liên quan, đại biểu đề nghị có hướng dẫn cụ thể và giải quyết bất cập trong việc triển khai Điều 78 về quy định chuyển tiếp Luật Nhà ở năm 2024. Bên cạnh đó sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 1 Nghị định số 49 năm 2021 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Chưa đạt yêu cầu trong thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội

Thống nhất với nhận định của đoàn giám sát, đại biểu cho biết, giai đoạn 2015-2023, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp khắc phục hiệu quả. 

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá: Cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản
Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá: Cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản. Ảnh quochoi.vn.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn trước tình trạng nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt được. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp. Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp so với khả năng chi trả cho nhà ở. 

Qua triển khai 3 hình thức phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014, kết quả cho thấy đa số các dự án nhà ở xã hội đều được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã. Một số địa phương đã dành vốn Nhà nước, gốm vốn ngân sách và vốn Nhà nước ngoài ngân sách vào phát triển nhà ở xã hội. Đối với hình thức phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn vốn cá nhân, hộ gia đình, giai đoạn 2015 đến 2023 chưa có loại hình này, chủ yếu phát triển nhà trọ với số lượng lớn. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa chú trọng vấn đề này.

Đại biểu kiến nghị cần sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thực hiện hình thức nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng, cho thuê. Chú trọng biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ, chuyển hóa, nâng cấp các loại hình xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, nhất là các khu trọ hiện hữu đang đáp ứng nhu cầu lưu trú của một số đông công nhân, người lao động, nhưng được các cơ quan chức năng đánh giá là chưa đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, chưa đảm bảo an toàn, điều kiện sinh sống.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm soát giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhà ở xã hội.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Có dấu hiệu lũng đoạn, thổi giá bất động sản

Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu thực tế thị trường bất động sản tăng giá cao, đột ngột, bên cạnh vướng về thể chế, chính sách, đại biểu cho rằng có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng bất động sản của một nhóm lợi ích. 

Đại biểu cho rằng, chúng ta cần đánh giá sát, đúng vấn đề, từ đó chỉ ra được giải pháp cụ thể, căn cơ. Dự thảo Nghị quyết đã đánh giá được hạn chế, nhưng chủ yếu vẫn là hạn chế trong chính sách, pháp luật, nhưng vẫn còn yếu tố bất thường, tăng giá đột ngột, gấp 2-3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân. 

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, xử lý dứt điểm với các dự án vướng mắc pháp lý
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, xử lý dứt điểm với các dự án vướng mắc pháp lý. Ảnh quochoi.vn.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, một trong những giải pháp giảm giá thị trường bất động sản đó là trái phiếu bất động sản. Hiện nay, trái phiếu bất động sản phát hành ra với mức lãi suất 12-15%, cộng với khoảng 3% phí phát hành. Như vậy, mục tiêu của phát hành trái phiếu bất động sản, dư nợ lĩnh vực này đến thời kỳ đáo hạn có áp lực rất lớn. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, thì việc phát hành trái phiếu không hiệu quả. Hơn nữa, thời gian khoảng 3 năm, mà phải trả lãi suất cao như vậy dễ tạo ra gánh nặng cho nhà nước và Nhân dân, nguy cơ dẫn đến nợ xấu gia tăng và thậm chí là vỡ nợ. 

Vì vậy, thời gian tới thị trường bất động sản chưa thể hạ nhiệt và người dân cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu giải pháp và tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét lại căn cơ để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản  lành mạnh và đúng hướng.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá: Cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản

Đóng góp ý kiến về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, Báo cáo và dự thảo Nghị quyết giám sát đã đánh giá và đưa ra phương án giải quyết quyền lợi của người dân, doanh nghiệp về thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản... 

Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, việc không hợp thức hóa sai phạm cần phải được làm rõ về nội hàm và đây là vấn đề rất phức tạp, bởi khó có thể có một quy định chung đúng cho tất cả các trường hợp. Với tinh thần không hợp thức hóa sai phạm và phải tìm cơ chế, chính sách để giải quyết ngay để giải phóng nguồn lực nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là một vấn đề khó và phải cần được cụ thể hóa và sớm có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, chúng ta cần phải xác định là nếu hành vi vi phạm pháp luật là nghiêm trọng, đã xem xét, tổng kết thi hành pháp luật và không thấy không có vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và phù hợp với thực tiễn rồi thì phải triệt để cưỡng chế, khắc phục vi phạm, chế tài mạnh như là xung công hay là phá dỡ triệt để. Còn nếu thực sự do pháp luật không phù hợp mà cần sự chỉnh sửa, bổ sung và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì nên hồi tố để miễn trừ trách nhiệm nhưng cũng cần có giải pháp để hài hòa lợi ích, đặc biệt đến chú trọng đến lợi ích của người dân, cộng đồng và Nhà nước. 

PV (lược ghi)