Theo đó, doanh thu hoạt động của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội đạt 565 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do tiền cổ tức, lãi phát sinh từ các tài sản tài chính FVTPL giảm mạnh từ mức 570 tỷ đồng xuống 42 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ các khoản cho vay và doanh thu môi giới đều tăng đáng kể.
Mặc dù doanh thu sụt giảm, lợi nhuận sau thuế của SHS vẫn gấp 8,6 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 356 tỷ đồng. Điều này là nhờ vào việc giảm chi phí khi hoạt động tự doanh hiệu quả. Trong khi quý I/2023, SHS lỗ 24 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh, quý I năm nay lãi tới 395 tỷ đồng.
Năm 2024, SHS đặt kế hoạch lãi trước thuế đạt 1.035,3 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước. Tổng doanh thu và thu nhập khác đạt 1.844,7 tỷ đồng, tăng gần 26%. Như vậy sau 3 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được gần 43% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/3/2024, tổng tài sản của SHS đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, các tài sản tài chính FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất với 5.333 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng sau 3 tháng. Các khoản cho vay cũng chiếm tỷ trọng lớn với 4.429 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng; trong đó, cho vay margin đạt 4.175 tỷ đồng.
Danh mục tài sản tài chính FVTPL của SHS bao gồm hơn 2.900 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết (tạm lãi hơn 400 tỷ đồng). Trong đó, VPB, MWG và FRT chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong khi MWG tạm lỗ 17 tỷ đồng, FRT là khoản đầu tư có lợi nhuận tốt nhất với giá trị tăng hơn 240 tỷ đồng so với giá đầu tư ban đầu. VPB cũng tạm lãi 43 tỷ đồng.
Danh mục tài sản sẵn sàng để bán (AFS) của SHS vẫn giữ nguyên như đầu năm với giá trị gốc hơn 475 tỷ đồng, đầu tư vào 2 cổ phiếu SHB và TCD. Công ty đang có lợi nhuận 122% với khoản đầu tư 275 tỷ đồng vào SHB, nhưng lại ghi nhận lỗ gần 110 tỷ đồng với khoản đầu tư vào TCD (giá gốc 200 tỷ đồng).
Thu Trang