Tại buổi tiếp, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã thông tin tới Đoàn công tác về những nỗ lực, quyết tâm, giải pháp của Quảng Ninh trong bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Quảng Ninh đã ban hành, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác chỉ đạo bảo vệ môi trường. Tỉnh coi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững, đặc biệt đối với môi trường Vịnh Hạ Long - 3 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy tặng quà biểu tượng Vịnh Hạ Long cho Chủ tịch Ủy ban Môi trường Hạ viện Nhật Bản và đoàn công tác.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy tặng quà biểu tượng Vịnh Hạ Long cho Chủ tịch Ủy ban Môi trường Hạ viện Nhật Bản và đoàn công tác.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Do vị trí nằm liền kề với các địa phương có đô thị phát triển, diện tích vùng vịnh rộng lớn, luồng giao thông đường thủy đa dạng và phức tạp, hoạt động kinh tế sôi động… điều này đã trở thành thách thức không hề nhỏ đối với công tác, nhiệm vụ bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.

Để xử lý môi trường xuất hiện từ các thảm thực vật trên núi đá vôi, rác phát sinh từ các hoạt động của con người, Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, thực hiện tháo dỡ, di dời các lồng bè thủy hải sản không đúng vị trí quy hoạch; chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thủy hải sản sang vật liệu bền vững; đầu tư hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt phát sinh từ các đô thị, phương tiện hoạt động trên vịnh; huy động tổng lực các tổ chức xã hội, người dân tham gia thu dọn rác định kỳ và thường xuyên…

Cùng với đó, khai thác hiệu quả hạ tầng, công nghệ từ các dự án hỗ trợ, nhất là các dự án do Nhật Bản đầu tư. Từ đó, công tác bảo vệ môi trường tại Quảng Ninh nói chung và trên Vịnh Hạ Long nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, để phát triển, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm, cần thêm nữa những giải pháp xử lý đồng bộ rác, nước thải phát sinh từ các hoạt động của con người. Do vậy, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh mong muốn Ủy ban Môi trường Hạ viện Nhật Bản tiếp tục đồng hành, quan tâm, hỗ trợ Quảng Ninh nghiên cứu, triển khai các giải pháp hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường trên Vịnh Hạ Long; đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên, xây dựng cơ chế kiểm soát tận gốc các vấn đề ô nhiễm môi trường trên Vịnh Hạ Long.

Ông Mutai Shunsuke, Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ tự do, Chủ nhiệm Ủy ban, khẳng định: Bảo vệ môi trường được Nhật Bản rất quan tâm, đặc biệt là các vấn đề như trái đất nóng lên, xử lý rác thải, nước thải. Đây là những vấn đề cần có sự hợp tác mang tính quốc tế. Do vậy, Ủy ban Môi trường Hạ viện Nhật Bản mong muốn thúc đẩy việc hợp tác với các địa phương của Việt Nam, trong đó có Quảng Ninh.

Mục tiêu sẽ là quan tâm, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề còn tồn tại về môi trường ở địa phương; công tác bảo vệ nói chung, bảo vệ môi trường nói riêng, phát huy giá trị, khai thác hiệu quả Vịnh Hạ Long - di sản độc đáo, hiếm có của nhân loại.

Với vai trò là Chủ nhiệm Ủy ban Môi trường Hạ viện Nhật Bản, ông Mutai Shunsuke sẽ tiếp tục thúc đẩy việc chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường của Nhật Bản cho Quảng Ninh. Thông qua đó, nhằm tiếp tục hun đúc mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Nhật Bản - Việt Nam, tiếp tục mang lại dấu ấn sâu sắc cho người dân của hai quốc gia.

Trần Trang(t/h)