Đẩy giá, nhưng không lại với thị trường

Trong những ngày qua, trước thông tin dịch Covid-19 xuất hiện tại Hải Dương và một số tỉnh, thành phố lân cận có nguy cơ nhiễm bệnh, cũng là lúc thị trường khẩu trang bắt đầu sôi động. Giá của mặt hàng này lúc đầu cũng được một số đối tượng đẩy lên với tốc độ chóng mặt.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, liên tục xuất hiện những tin rao bán khẩu trang. Ban đầu, giá bán sỉ của sản phẩm này chỉ là vài trăm nghìn đồng/thùng; sau khi dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng, giá khẩu trang tiếp tục được đẩy dần lên.

Trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn liên tục xuất hiện những tin rao bán khẩu trang y tế với giá được đẩy lên từng giờ
Trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn liên tục xuất hiện những tin rao bán khẩu trang y tế 

Cụ thể, trên mạng xã hội facebook, nhóm diễn đàn Chợ thuốc H xuất hiện la liệt những tin rao bán khấu trang y tế. Một số thành viên tích cực tham gia đăng bài rao bán khẩu trang với số lượng lớn. Thời điểm ngày 29/1, tức là sau khi phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Hải Dương ít ngày, giá khẩu trang y tế được các thành viên này thi nhau đẩy giá từ 1,1 triệu/thùng lên 1,5 triệu rồi đỉnh điểm lên 2.5 triệu/thùng đối với loại khẩu trang 4 lớp giấy kháng khuẩn.

Nguyên nhân tăng giá, theo một thành viên có tên L.T.T.H trong diễn đàn Chợ Thuốc H chia sẻ nhiều nhà máy đã thông báo, do số lượng đặt hàng tăng đột biến, dẫn đến báo giá tăng nên các đại lý phân phối cũng buộc phải tăng giá theo. Bên cạnh đó, những lô hàng từ đợt dịch trước chủ phải “ôm” với giá cao, nên trong dịp này hy vọng sẽ bán được giá tốt để gỡ vốn hoặc kiếm lời. Thời điểm ngày 29/1 giá của thành viên này báo là 1.7 triệu/thùng, thành viên này cũng không ngần ngại chia sẻ, giá của những đại lý khác đang rao bán đã lên đến trên 2 triệu/thùng.

Theo quan sát, những mặt hàng khẩu trang 4 lớp giấy kháng khuẩn đang được thị trường chú ý nhiều hơn. Những mặt hàng này yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ giấy tờ, hóa đơn hợp lệ nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, trên thực tế thị trường khẩu trang để phục vụ người dân trong đợt dịch này vẫn đang được bán ra ở mức bình ổn. Tại hầu hết các quầy thuốc bán lẻ, giá khẩu trang cũng chỉ giao động ở mức 28.000 – 50.000đồng/hộp, tùy từng chủng loại và thương hiệu của mặt hàng này.

“Trên hầu khắp các trang mạng xã hội, các diễn đàn liên quan đến thiết bị, vật tư y tế đều tập trung vào các tin rao bán khẩu trang. Đó là chiêu trò của một nhóm đối tượng, lợi dụng tâm lý dịch bệnh, một số đầu mối bắt đầu tăng giá, để xem phản ứng của thị trường thế nào, hy vọng giá sẽ cao để kiếm lời. Thực tế tại nhà thuốc, giá khẩu trang vẫn đang bán ở mức bình ổn như trước, có chăng chỉ tăng nhẹ một vài nghìn, tùy loại”. Đó là chia sẻ của một hiệu thuốc tại Long Biên, Hà Nội.

Theo khảo sát, giá khẩu trang y tế tại các siêu thị và điểm bán lẻ tại các quầy thuốc vẫn duy trì ở mức bình ổn, chưa có dấu hiệu tăng giá. (Ảnh minh họa)
Theo khảo sát, giá khẩu trang y tế tại các siêu thị và điểm bán lẻ tại các quầy thuốc vẫn duy trì ở mức bình ổn, chưa có dấu hiệu tăng giá. (Ảnh minh họa)

Khảo sát tại các điểm siêu thị lớn tại Hà Nội như BigC, Vinmart giá khẩu trang y tế vẫn được bình ổn, không có chuyện tăng giá đột biến như trên các diễn đàn đang tung tin. Cụ thể,  giá 1 gói 10 chiếc khẩu trang hoạt tính cũng chỉ giao động ở mức 24.000đồng, 1 hộp 50 chiếc khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp cũng chỉ hơn 40.000 đồng.

Qua khảo sát cho thấy, tất cả những biến động về giá của khẩu trang y tế trong những ngày qua, chỉ là những chiêu trò của một số đối tượng đang thi nhau đẩy giá, tạo cơn sốt ảo, nhằm thu lợi bất chính trong diễn biến phức tạp tình hình dịch bệnh.

Dần hạ nhiệt vì thị trường… không thiếu

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Tổng cục Quản lý thị trường đã nhanh chóng phát đi công văn hỏa tốc về việc triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 trên cả nước, trong đó có nội dung tăng cường giám sát địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng nhằm đẩy giá lên cao và thu lời bất chính đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.

Lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết bị y tế trong đợt dịch này, tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ nhằm thu lợi bất chính của dân buôn
Lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết bị y tế trong đợt dịch này, tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ nhằm thu lợi bất chính của dân buôn. (Ảnh minh họa)

Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo từ Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh tích cực vào cuộc kiểm tra, rà soát hoạt động mua bán mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là vật dụng y tế phục vụ việc phòng chống dịch.

Qua đó, một số các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn bán khẩu trang như: buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm báo chất lượng; hiện tượng đẩy giá khẩu trang y tế,… cũng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời trong mấy ngày vừa qua.

Thêm vào đó, ngày 29/1 Bộ Công thương phát đi công điện tới Sở Công thương các tỉnh, thành phố; hệ thống các chuỗi siêu thị lớn, yêu cầu phải bán đúng giá vật tư y tế, trước thông tin có việc tăng giá khẩu trang. Bộ cũng yêu cầu kiểm soát chặt hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp nhận thấy mất cân đối cung cầu phải xử lý ngay, "khan hiếm nguồn cung phải giải quyết bằng nguồn cung". 

Từ những động thái tích cực của lực lượng chức năng những ngày qua, giá bán sỉ của mặt hàng khẩu trang y tế cũng dần được hạ nhiệt. Quay trở lại trên mạng xã hội facbook, trang Chợ thuốc H, các tin rao bán khẩu trang y tế cũng đã bớt xuất hiện dần, giá bán sỉ cũng ở mức ổn định, không còn hiện tượng đẩy lên từng giờ như những ngày trước.

Một doanh nghiệp tại Hà Nội cho hay, nguồn cung khẩu trang sản xuất trong nước đang dư thừa. Do đó, không thể có tình trạng khan hàng, thiếu hàng mà tăng giá.

Bên cạnh đó, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ chú trọng để phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; bán hàng hóa không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết...., tránh tình trạng gom hàng, đẩy giá như tình trạng đã từng xẩy ra trước đó.

 Thành Nam