Ngày 28/6, trụ sở Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã diễn ra phiên tòa về vụ kiện của Qatar chống lại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Qatar đã đệ đơn kiện UAE từ đầu tháng này với cáo buộc "phân biệt đối xử" đối với công dân Qatar, gồm trục xuất người dân nước này khỏi UAE, không cho họ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hay kết tội những người có phát ngôn ủng hộ Doha.
Một góc Thủ đô Doha của Qatar.
Doha gọi những hành động này đã vi phạm Công ước Quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD).
Nước này kêu gọi ICJ nhanh chóng can thiệp và có các biện pháp để ngăn chặn sự phân biệt này, cũng như yêu cầu Abu Dhabi phải bồi thường và khắc phục những tổn hại do các hành động phân biệt này gây ra.
Tại phiên tòa, Đại sứ UAE tại Hà Lan Saeed Al- Nowais nêu rõ việc nước này cắt đứt quan hệ với Qatar là do Doha "ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng và tuyên truyền các thông điệp thù địch".
Abu Dhabi đã nhiều lần đề nghị Doha ngừng các hành vi này và Qatar cũng đã đưa ra cam kết, nhưng không thực hiện đúng các cam kết này.
Đại sứ Al- Nowais tuyên bố UAE "bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc" cho rằng Qatar không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy nào cho những tuyên bố của mình.
"Các biện pháp của UAE chống lại chính phủ Qatar được đo lường cẩn thận để có tác động ít nhất có thể đối với những người bình thường" - Đại sứ Al-Nowais khẳng định.
Một luật sư của phái đoàn UAE là Tullio Treves cho rằng, Qatar đang "vẽ nên những bức tranh về trục xuất tập thể và cấm nhập cảnh" đối với người Qatar là "hoàn toàn gây hiểu lầm".
Ông Treves cho rằng đây là vụ kiến không công bằng khi Qatar không đưa ra bằng chứng thuyết phục cho cáo buộc của mình và ICJ nên hủy bỏ hoàn toàn vụ kiện này.
Các nước Arab đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar cùng cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị từ những ngày đầu tháng 6/2017.
Ban đầu chỉ có 4 quốc gia là UAE, Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar nhưng phong trào phong tỏa Qatar đã nhanh chóng lan sang các nước khác.
Gần đây nhất, Saudi Arabia đã thể hiện sự cứng rắn của mình bằng cách mở một dự án đào con kênh dài hơn 10km tạo thành đường biên giới với Qatar, biến Qatar thành một đảo quốc.
Theo Fahad Nazer, một nhà phân tích chính trị Saudi và là thành viên quốc tế của Hội đồng Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Ả Rập, cho biết Qatar nên giải quyết những khiếu nại chính đáng của hàng xóm thay vì tìm cách "quốc tế hóa" tranh chấp.
"Bộ tứ chống khủng bố đã tạo ra một trường hợp rất hấp dẫn là các hành động và chính sách của Qatar đã vi phạm một số luật, quy ước và định mức cơ bản nhất của quan hệ quốc tế" - ông Nazer nhận định.
Theo Baodatviet