Ngang nhiên phá rừng

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm.

Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án phát triển kinh tế như thuỷ điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Những tháng cuối năm 2017, dư luận xã hội vẫn còn “nóng” về thông tin các cơ quan chức năng huyện An Lão (Bình Định) phát hiện ra vụ phá rừng quy mô lớn nhất ở tỉnh này, tổng diện tích rừng bị phá khoảng 43,7 ha. Địa điểm xảy ra vụ việc là khoảnh rừng số 7, số 8, tiểu vùng 1, xã An Hưng, là vùng giáp ranh giữa 3 huyện An Lão, Hoài Nhơn (Bình Định) và huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Đáng lưu ý, để tới được đây, tất cả các xe ô tô chở người, thiết bị đi vào và chở gỗ từ rừng đi ra đều phải đi qua con đường duy nhất trước trạm kiểm tra của Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn đóng tại xã Hoài Sơn. Thế nhưng hoạt động phá rừng diễn ra ồ ạt, quy mô rộng lớn mà trạm kiểm lâm này lại không hề hay biết.

Chặn đứng ngay tình trạng phá rừng - Hình 1

Những cây gỗ dổi bị chặt phá tại Bình Định

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, tại huyện Hoài Ân, đầu năm 2017 đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện đã phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản xử lý 16 trường hợp vận chuyển gỗ keo không rõ nguồn gốc, vi phạm thủ tục hành chính trong khai thác, vận chuyển lâm sản. Tuy vậy, số vụ vi phạm bị xử phạt so với thực tế vẫn rất ít.

Ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, cho biết: Việc khai thác rừng trồng chủ yếu là do sự thỏa thuận giữa chủ rừng và lái buôn gỗ. Khi phát hiện hoặc nghi vấn sai phạm, lực lượng kiểm lâm phải mất thời gian để xác minh quá trình khai thác, nguồn gốc gỗ. Việc này cũng tạo kẽ hở cho các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Hiện tượng khai thác “chui” gỗ rừng trồng đang có chiều hướng gia tăng.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), việc phá rừng trở thành một vấn nạn, trong đó thủy điện góp phần phá rừng rất… hiệu quả, bởi khi đơn vị được giao dự án thủy điện, sẽ có một khoảnh rừng tha hồ phá, khai thác toàn bộ gỗ khu vực đó. Những cây gỗ lâu năm, gỗ quý, rừng đặc dụng, bảo tồn bị khai thác hết.

Theo Chỉ thị số 13-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nguyên nhân chủ yếu của việc phá rừng, vi phạm pháp luật trong công tác quản lý rừng là do nhận thức, ý thức và trách nhiệm của nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, vì lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm, còn buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao, còn có những kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi; việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa nghiêm, thiếu triệt để, không đủ sức răn đe.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2016, cả nước có 14.377.682ha rừng. Trong đó rừng tự nhiên là 10.242.141ha và rừng trồng là 4.135.541ha. Trong hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên thì có 8.839.154ha rừng gỗ, 241.610ha rừng tre nứa thuần và 1.156.589ha rừng hỗn hợp gỗ và tre nứa, 4.787ha rừng cau dừa. Tuy nhiên, trong số 8.839.154ha rừng tự nhiên thì chỉ có 8,7% là rừng giàu.

ĐBQH Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) nhìn nhận, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây lũ lụt thời gian qua. Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm được phát hiện và xử lý. Có những vụ cơ quan tư pháp dường như bất lực trước tình trạng này.

“Thời gian qua, chúng ta khởi tố được 25 vụ án nhưng không tìm được bị can, nghĩa là có vụ án phá rừng nhưng không tìm ra thủ phạm. Tình trạng này cho thấy, công tác bảo vệ và quản lý rừng còn yếu kém, bị buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát thường xuyên. Khó có thể nói rằng, khi tình trạng phá rừng diễn ra trầm trọng như vậy mà lực lượng kiểm lâm không biết, chính quyền sở tại không biết, lực lượng công an sở tại không biết.

Cử tri cho rằng, phải chăng đây có sự tiếp tay, bao che! Chắc chắn rằng bộ phận cán bộ, chính quyền, cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm của mình được giao. Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt những địa phương đã để xảy ra tình trạng này, quy rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để có hình thức xử lý, chặn đứng tình trạng phá rừng”, ĐH Hùng nói.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, nhiều vụ phá rừng ngay giữa thanh thiên bạch nhật với quy mô lớn, xảy ra trong thời gian dài. Có hay không hành vi làm ngơ, tiếp tay, bảo kê cho phá rừng? Cử tri đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, không để hành chính hóa các quan hệ hình sự; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể giơ cao đánh khẽ.

Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp:

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thuỷ điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch...

Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và thông lệ quốc tế. 

Hoan Nguyễn