Trong một cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng, căng thẳng giữa Moscow và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khó có thể giảm bớt.

Bên cạnh đó, quan chức ngoại giao Nga cáo buộc, NATO, thông qua việc tăng cường quân sự, đang chuẩn bị "đối đầu với đất nước chúng ta".

Nga cho rằng, tình hình an ninh sẽ khác nếu không có sự mở rộng của NATO ở sườn Đông. (Nguồn: Shutterstock)
Nga cho rằng, tình hình an ninh sẽ khác nếu không có sự mở rộng của NATO ở sườn Đông. Nguồn Shutterstock.

Trong nhiều năm qua, Moscow đã phản đối việc NATO tiếp tục mở rộng và tăng cường quân sự gần biên giới Nga. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Grushko tái khẳng định, tình hình an ninh sẽ khác nếu không có sự mở rộng của tổ chức này.

Theo quan chức Nga, Mỹ đang lợi dụng "mối đe dọa từ sườn Đông" để đưa châu Âu vào trật tự thế giới và duy trì quyền bá chủ của Washington trên toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh, các cuộc đàm phán về động thái không thể đảo ngược của Kiev hướng tới tư cách thành viên NATO là cần thiết để duy trì Ukraine như một mũi nhọn trong cuộc chiến hỗn hợp chống lại Moscow.

Ông Grushko tin rằng, người dân ở phương Tây đã hối tiếc vì NATO từ chối dự thảo hiệp ước của Nga về bảo đảm an ninh, vốn được chuyển đến trụ sở của liên minh quân sự này ở Brussels, Bỉ, vào tháng 12/2021.

Liên quan việc Nga chuẩn bị cập nhật học thuyết hạt nhân, nhà ngoại giao tuyên bố, lý do cho động thái này là để các đối thủ không ảo tưởng về sự sẵn sàng của Moscow trong việc đảm bảo an ninh bằng mọi phương tiện sẵn có.

Thứ trưởng Grushko nhấn mạnh: “Chúng tôi tính đến toàn bộ các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược, khả năng an ninh và quốc phòng của chúng ta".

Theo ông, “các nước hạt nhân trong NATO và bản thân khối này, vốn đã tuyên bố mình là một liên minh hạt nhân, đang đi theo con đường tăng cường vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược của liên minh” theo cả hai khái niệm chính trị và kỹ thuật-quân sự.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về việc cập nhật các sửa đổi tại học thuyết hạt nhân, trong đó nêu rõ, Moscow bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị xâm lược, kể cả khi kẻ thù sử dụng vũ khí thông thường nhưng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền quốc gia nước này.

Theo Sputnik