THCL Việt Nam cần sớm xây dựng Luật để xử lý vấn đề mại dâm dựa trên quan điểm mại dâm là bất hợp pháp nhưng coi mại dâm như là một tồn tại xã hội khách quan và giải quyết vấn đề này trên cơ sở tôn trọng quyền con người.

Theo ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn công tác phòng, chống mại dâm trong nước thời gian qua, đòi hỏi Việt Nam cần sớm xây dựng Luật để xử lý vấn đề mại dâm dựa trên quan điểm mại dâm là bất hợp pháp nhưng coi mại dâm như là một tồn tại xã hội khách quan và giải quyết vấn đề này trên cơ sở tôn trọng quyền con người, quyền công dân, đối xử nhân đạo, công bằng thông qua tăng cường các biện pháp giảm hại đối với người bán dâm và cộng đồng, xã hội.

Theo đó, những nguyên tắc, giải pháp và nội dung cơ bản trong Luật sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính:

Thứ nhất, quy định rõ ràng và đầy đủ các hành vi cũng như chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm, đặc biệt là chế tài đủ mạnh đối với các hoạt động tội phạm liên quan đến mại dâm như chứa chấp, bảo kê, môi giới, mại dâm. Quy định thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cấp có thẩm quyền và thẩm quyền xử phạt của Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội; tiêu chuẩn, điều kiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng hoạt động mại dâm; trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để tệ nạn mại dâm phát sinh trong địa bàn quản lý; trách nhiệm giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng;...).

Thứ hai, chú trọng vào công tác phòng ngừa; cụ thể hoá các biện pháp phòng ngừa và xây dựng một cơ chế phòng ngừa trong cộng đồng, từ gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Các biện pháp phòng ngừa sẽ chú trọng vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng chống mại dâm, hoạt động quản lý an ninh trật tự cũng như những hoạt động kinh doanh dễ bị lợi dụng để tổ chức mại dâm; phòng ngừa tội phạm, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm liên quan đến mại dâm. Tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, nhất là thanh niên; trang bị các kỹ năng tự phòng tránh, thúc đẩy các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên.

Thứ ba, quan tâm hỗ trợ phòng chống bạo lực giới, giảm hại và hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm vì người bán dâm có thể bị ngược đãi, chà đạp nhân phẩm, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bị phân biệt đối xử; nhiều người trong số họ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, thiếu kỹ năng đàm phán về tình dục an toàn, thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Việc bảo vệ các quyền cơ bản của người bán dâm và bảo vệ sức khỏe, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng tình dục an toàn, tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt tạo cho họ cơ hội chuyển sang nghề khác tốt hơn cần được quan tâm. Các dịch vụ hỗ trợ sẽ bao gồm: hỗ trợ về y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý.

Thứ tư, phòng chống mại dâm là một công tác hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách, cơ chế đầu tư thỏa đáng. Nhà nước bảo đảm nguồn lực hàng năm cho công tác phòng, chống mại dâm cũng như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Có chính sách huy động các lực lượng xã hội, khuyến khích toàn dân tham gia công tác mại dâm.

Xu hướng chung của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hiện nay là không hợp pháp hóa mại dâm, nhưng cũng không hình sự hóa để tránh việc đẩy mại dâm trở thành trá hình, khó kiểm soát.

L. Gia (Thương hiệu và Công luận)