Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông quan tâm đến quy định người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tại Điều 3 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố cho thấy dự thảo luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đó là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Tuy nhiên, hiện nay phụ cấp hàng tháng cấp cho các đối tượng này thấp, mà phải trích nộp bảo hiểm xã hội theo dự thảo luật, phần thực nhận của họ còn thấp hơn, trong khi số lượng đối tượng này trên cả nước không ít, nên phần ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá phân tích nhiều chiều, tham khảo ý kiến từ nhiều đối tượng khi quy định đối tượng này phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về áp dụng quy định không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng là một trong những biện pháp xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 39 và khoản 5 Điều 40 của dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng, việc không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng không phải là biện pháp xử lý vi phạm. Vì, khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích; việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là vi phạm điều cấm theo khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật, phải sử dụng các chế tài về xử lý hành chính và hình sự để đảm bảo thực thi pháp luật được nghiêm minh; việc không xét tặng thi đua, khen thưởng không có tác động để xử lý việc trốn, đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, việc không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng đã được pháp luật về thi đua, khen thưởng quy định. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bỏ các khoản nêu trên.
Tại điểm đ, khoản 1 Điều 74 quy định “Bảo hiểm xã hội một lần”, đại biểu thống nhất chọn phương án 1, nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa quyền của người lao động và định hướng chính sách, tránh gây những phản ứng tiêu cực trong dư luận.
Đồng thời, bổ sung thêm giải pháp sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội để thành lập Quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu. Theo đó, quy định Quỹ sẽ cho người lao động vay số tiền hợp lý theo tỷ lệ phần trăm số tiền người lao động nhận được từ việc rút bảo hiểm xã hội một lần với lãi suất ưu đãi.
Kim Khánh (t/h)