Vinh Chi Mart là cơ sở kinh doanh có tiếng nằm tại số 128 Đò Quan, phường Cửa Nam, thành phố Nam Định được nhiều người tiêu dùng biết đến. Có tiếng là bởi, với các cơ sở kinh doanh cùng cấp, Vinh Chi Mart có quy mô mặt bằng rộng nhất nhì thành phố Nam Định. Có tiếng cũng là bởi, cơ sở này được đánh giá là “thiên đường” mua sắm của người dân quanh khu vực, với nhiều chủng loại hàng hóa bắt mắt, từ nội địa đến nhập khẩu từ nước ngoài, Vinh Chi Mart đang thu hút đông đảo người tiêu dùng tại địa phương và các khu vực lân cận. Mỗi ngày, hàng trăm lượt khách ra vào tấp nập để lựa chọn cho mình những sản phẩm ưng ý nhất.

Vinh Chi Mart nằm ở vị trí đắc địa, ngay chân cầu Đò Quan (TP Nam Định)
Vinh Chi Mart nằm ở vị trí đắc địa, ngay chân cầu Đò Quan (TP Nam Định)

Trong vai khách hàng, phóng viên (PV) Tạp chí Thương hiệu và Công luận tham gia trải nghiệm mua sắm và ghi nhận thực tế về thực trạng bày bán hàng hóa tại đây.

Bước vào bên trong, trước mắt PV là hàng ngàn sản phẩm với đủ chủng loại, mẫu mã, từ nhập khẩu đến nội địa, phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Quan sát một lượt, không khó để có thể ghi nhận một số hàng hóa chưa tuân thủ quy định của pháp luật được bày bán tại đây.

Nhiều hàng hóa có dấu hiệu vi phạm

Qua quan sát, địa điểm này đang bày bán nhiều mặt hàng từ những đồ gia dụng từ máy xay sinh tố, bát, đĩa, ấm chén đến những sản phẩm mỹ phẩm, giày dép, túi xách thời trang; bánh kẹo, nước nước giải khát; đồ đông lạnh,… tất cả các mặt hàng này đều được bán với giá bình dân, thu hút nhiều khách hàng tham quan mua sắm.

Đa dạng các sản phẩm thiết yếu được bày bán tại đây
Đa dạng các sản phẩm thiết yếu được bày bán tại đây

Điều đáng nói, ngoài những sản phẩm có nhãn hiệu nội địa, chủ của cơ sở này còn bán thêm nhiều sản phẩm ngoại nhập và được chào bán với giá rất rẻ. Tuy nhiên, qua quan sát của phóng viên nhận thấy hầu như trên bao bì, hoặc trực tiếp trên mỗi sản phẩm nhập ngoại này chỉ thể hiện những thông tin bằng chữ Trung Quốc, không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến sản phẩm bằng tiếng Việt, không rõ đơn vị nhập khẩu và chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam là đơn vị nào.

Cụ thể, tại kệ bán hàng bánh kẹo, nước ngọt, nhiều sản phẩm trên bao bì in chữ nước ngoài, những sản phẩm này đều không in thông tin bằng tiếng Việt thể hiện rõ đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm sản phẩm, xuất xứ sản phẩm cũng như hạn sử dụng của sản phẩm, căn cứ vào việc nhận diện chữ nước ngoài trên bao bì, chỉ có thể đoán sản phẩm đó đến từ Trung Quốc, Nhật, Nga,…. Giá bán của những sản phẩm nhập ngoại này rất đa dạng, từ vài chục đến vài trăm nghìn một sản phẩm.

Bánh kẹo đến từ Trung Quốc không dán tem nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh: Cắt từ clip
Bánh kẹo đến từ Trung Quốc không dán tem nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh: Cắt từ clip
Sản phẩm nước ngọt nhập ngoại
Sản phẩm nước ngọt nhập ngoại

Tại quầy bán mỹ phẩm và các đồ dùng thiết yếu khác, phóng viên cũng ghi nhận tình trạng tương tự, các sản phẩm ở đây đa phần đều không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ thông tin của đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại Việt Nam là đơn vị nào.

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm và phụ kiện làm đẹp có dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc xuất xứ
Nhiều sản phẩm mỹ phẩm và phụ kiện làm đẹp có dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc xuất xứ

Ghi nhận tại quầy bán các sản phẩm giày dép, túi xách thời trang, nhiều sản phẩm trên nhãn mác chỉ có chữ Trung Quốc, Nhật Bản không có bất cứ thông tin nào bằng tiếng Việt. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm túi xách, giày dép còn nhái các thương hiệu thời trang nổi tiếng đã được bảo hộ tại thị trường Việt Nam như Adidas, Gucci, LV,… giá bán những sản phẩm này từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng một sản phẩm.

Không khó để bắt gặp những sản phẩm thời trang nhái thương hiệu nổi tiếng
Không khó để bắt gặp những sản phẩm thời trang nhái thương hiệu nổi tiếng
Hay những sản phẩm có tem nhãn gốc bằng chữ nước ngoài
Hay những sản phẩm có tem nhãn gốc bằng chữ nước ngoài, không tem phụ tiếng Việt

Tiếp tục di chuyển tới quầy đông lạnh, nhiều sản phẩm trên bao bì in chữ Trung Quốc nhưng không có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam, không có thông tin về hạn sử dụng của sản phẩm.

Sản phẩm không rõ đơn vị nhập khẩu là đơn vị nào
Sản phẩm không rõ đơn vị nhập khẩu là đơn vị nào

Tại khu vực bày bán sản phẩm đồ gia dụng như: Cốc, chén, bình đựng nước,… bên ngoài bao bì cũng chỉ thể hiện tem nhãn gốc bằng chữ Trung Quốc, không có thông tin về đơn vị nhập khẩu hay dấu hợp quy của cơ quan có thẩm quyền cấp. Theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các sản phẩm là vật dụng dùng để chứa đựng thực phẩm như: Chén, bát, đĩa, nồi, chảo, quánh, bình đựng nước - được làm bằng bất cứ vật liệu nào - đều phải được tự công bố, và dán tem hợp quy của cơ quan chức năng trước khi sản xuất và lưu thông trên thị trường.

Nhiều sản phẩm
Nhiều sản phẩm "trắng" thông tin
Những sản phẩm thông dụng như nước giặt được ghi tem nhãn gốc bằng chữ Thái Lan nhưng không có bất kỳ tem nhãn phụ tiếng Việt nào được gắn trên bao bì sản phẩm
Những sản phẩm thông dụng như nước giặt được ghi tem nhãn gốc bằng chữ Thái Lan nhưng không có bất kỳ tem nhãn phụ tiếng Việt nào được gắn trên bao bì sản phẩm

Ngoài những ghi nhận trên, tại ngay lối đi vào cơ sở kinh doanh này, một quầy bán các sản phẩm thuốc lá rất lớn được bày biện bắt mắt. Nhiều nghi vấn đặt ra, liệu rằng cơ sở này đã được cấp giấy phép kinh doanh các sản phẩm thuốc lá hay chưa? Bởi, đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện như thuốc lá thì việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm này luôn được Nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân mua sản phẩm thuốc lá từ nhà cung cấp để bán trực tiếp cho người tiêu dùng phải có giấy phép bán lẻ thuốc lá.

Nhiều nghi vấn đặt ra: Liệu rằng cơ sở này đã có giấy phép bán lẻ các sản phẩm thuốc lá hay chưa?
Nhiều nghi vấn đặt ra: Liệu rằng cơ sở này đã có giấy phép bán lẻ các sản phẩm thuốc lá hay chưa?

Pháp luật quy định những gì?

Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Việc kinh doanh buôn bán các sản phẩm gia dụng với giá cả phải chăng của Vinh Chi Mart Nam Định đang rất được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, trước những thông tin ghi nhận như trên, đề nghị lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra làm rõ và xử lý những vi phạm (nếu có). Việc này góp phần đảm bảo tính minh bạch của thị trường, đặc biệt bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Tòa soạn Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin thêm tới độc giả!

Thành Nam