Ngày 4/11, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên có buổi làm việc với nhóm chuyên gia quy hoạch Nhật - Việt về dự án thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo đường Thái Văn Lung (Quận 1).
Dự án có chiều dài khoảng 306m (điểm đầu tuyến giao với đường Lý Tự Trọng đến cuối tuyến giao với đường Nguyễn Siêu) và là công trình giao thông nhóm C, do UBND TP. Hồ Chí Minh đầu tư.
Mục tiêu chính của dự án là ưu tiên không gian an toàn, thoải mái cho người đi bộ, đảm bảo thuận tiện giao thông trên đường Thái Văn Lung và các tuyến đường xung quanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho tuyến Thái Văn Lung.
Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án gần 50 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện phấn đấu khởi công trước 30/4/2025, hoàn thành trước ngày 2/9/2025.
Theo ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND Quận 1, Quận 1 đã phối hợp Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan triển khai tiến hành đầu tư hạng mục lắp đặt cổng chào, thùng rác, cây xanh, chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ khác theo hình thức xã hội hóa (khoảng 5,6 tỉ đồng).
Tại buổi làm việc, kiến trúc sư Shinichi Mochizuki cho rằng dù độ dài tuyến đường Thái Văn Lung chỉ khoảng 300m nhưng tính phức tạp lại khác rất nhiều so với các dự án trước đây Việt Nam đã thực hiện. Ông mong muốn khi dự án hoàn thành sẽ có đầy đủ cách làm, quy trình để dễ dàng áp dụng hơn cho các tuyến tiếp theo.
Theo ông Shinichi Mochizuki, việc cải tạo lòng lề đường hay chỉnh trang đô thị là việc rất đơn giản mà TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều kinh nghiệm. Nhưng dự án này lại kéo theo nhiều nhiệm vụ phụ trợ khác cần được lưu tâm, trong đó có việc phải nghiên cứu sự liên quan đến các tuyến đường xung quanh. Ông lấy ví dụ muốn chấm dứt việc dừng đỗ xe taxi phải nghiên cứu thêm các dự án liên quan như bãi đổ xe. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến sự tham gia đóng góp của người dân; cần lấy ý kiến người dân và các ý kiến đó có thể xem xét đưa vào thiết kế.
"Dự án này không chỉ dừng lại ở việc sau khi hoàn thiện tuyến đường là xong mà còn tính đến vấn đề quản lý bảo trì toàn bộ ý tưởng. Có thể thực hiện song song quản lý tuyến đường có sự phối hợp giữa Nhà nước và người dân, những người sống tại tuyến đường đó để gìn giữ ý tưởng thiết kế" - kiến trúc sư Shinichi Mochizuki đề xuất.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thống nhất đây là dự án thí điểm nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị của thành phố để hướng tới mục tiêu sớm đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; dự án trở thành không gian xanh, văn hóa của TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Nên, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện việc này từ lâu nhưng vẫn chưa có kết quả chuẩn mực để mở rộng ra, thực hiện đại trà cho toàn thành phố. Thời gian qua, việc thực hiện vẫn chưa căn cơ, toàn diện, chưa bài bản và còn thiếu kinh nghiệm.
Do đó, TP. Hồ Chí Minh phối hợp với nhóm chuyên gia để thực hiện chủ trương này. Từ khi triển khai thực hiện, thành phố đã nỗ lực quyết tâm làm được rất nhiều việc, nhưng vẫn còn một số việc chưa làm được và thành phố sẽ điều chỉnh bổ sung ngay.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh bày tỏ thống nhất với các chuyên gia về ý nghĩa quan trọng của tuyến đường Thái Văn Lung. Ông đề nghị Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh và Quận 1 tính toán yếu tố khoa học, xã hội và có kỹ thuật để đảm bảo dự án hoàn chỉnh.
Hoàng Bách(t/h)