Những con số ấn tượng
Trước hết về kinh tế, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 09 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng Chín đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, tăng 6,3% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi.
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 09 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 03 năm 2024 - 2026.
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên; đã ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh, phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch trong năm 2023. Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2023 tiếp tục hoàn thành thêm 78 km.
Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, quyết liệt triển khai Đề án 06 về cơ sở dữ liệu dân cư. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kém hiệu quả.
Tiếp tục xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là 05 ngân hàng yếu kém. Tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tiếp tục xử lý hiệu quả bước đầu 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm; hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng sau thời gian dài gián đoạn.
Cán bộ sợ trách nhiệm phải xử lý như thế nào?
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đặt vấn đề, tại sao trong triển khai thực hiện còn vướng mắc nhiều, nhất là đầu tư công, cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám làm.
Ông đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống văn bản pháp luật, nhưng một vấn đề là cách hiểu luật. Hiện nay chính sách, pháp luật đưa ra nhưng cách hiểu luật có những vấn đề chưa thực sự thống nhất, nên cán bộ khi thực hiện hiểu luật thế này, khi kiểm tra, giám sát, thanh tra lại hiểu theo cách khác.
Vị đại biểu đoàn Quảng Nam dẫn ví dụ về xác định giá trị đất đai trong các vụ việc sai phạm, có trường hợp xác định giá trị ở thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cũng từng trả lời tại Quốc hội rằng xác định thiệt hại tại thời điểm xảy ra vụ việc, nhưng có vụ xác định tại thời điểm khởi tố và “sau mấy năm giá trị đất đã khác”.
“Có vụ án lúc đầu xác định thiệt hại 4 nghìn tỷ đồng, sau đó còn hơn 1 nghìn tỷ đồng. Có vụ ở TP. HCM ban đầu hơn 1 nghìn tỷ đồng nhưng về sau còn hơn 200 tỷ đồng. Việc xác định giá trị tại thời điểm nào cũng là một trong những nguyên nhân, yếu tố làm cho cán bộ sợ, không dám làm”, ông Tạ Văn Hạ nói và đề nghị khi rà soát đánh giá văn bản pháp luật có chồng chéo, bất cập hay không cần làm rõ câu chuyện làm sao để cách hiểu thống nhất.
Về trách nhiệm trong đầu tư công, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc thực hiện giải ngân đầu tư công, trong đó có nguyên nhân cán bộ sợ sai, không dám làm. Đánh giá cao việc thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu cho rằng, qua giám sát, có thực trạng là hiện nay, có một số vấn đề, quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất giữa cán bộ thi hành với người giám sát.
Đại biểu lấy ví dụ, đối với việc xác định giá trị đất đai trong các vụ án, sai phạm, có những trường hợp xác định giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định giá trị thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc. Đại biểu cho rằng, việc không thống nhất trong cách hiểu pháp luật chính là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai, không dám làm.
Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, cần rà soát, nghiên cứu, đảm bảo thống nhất cách hiểu các văn bản pháp luật, đồng thời, trong công tác xây dựng pháp luật, cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, hiểu và tuân thủ pháp luật một cách nhất quán.
PV (lược ghi)