Khoản 3 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng áp dụng đối với cả quỹ tín dụng nhân dân, quy định này được hiểu rằng quỹ tín dụng nhân dân không được cấp tín dụng cho các khách hàng khác (ngoài các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng) trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng (đã sửa đổi bổ sung tại Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024).
Theo ông Trịnh Xuân Quang (Quảng Bình) hiểu, đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 134 không được bảo đảm bằng tài sản của mình để thế chấp cho người khác vay tại quỹ tín dụng. Ông Quang hỏi, ông hiểu như vậy có đúng không?
Tại Khoản 1 Điều 134 được bảo đảm bằng tài sản của chính mình để thế chấp vay vốn tại quỹ tín dụng nhân dân trong nhóm người liên quan không được vượt quá 23% vốn tự có phải không?
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:
Tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 134 quy định:
"1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân sau đây:
a) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng đó; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần; pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;
b) Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng đó; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
Quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này".
Khoản 1 và khoản 2 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng quy định:
"1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho tổ chức, cá nhân sau đây:
a) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; người ra quyết định thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, người giám sát hoạt động đoàn thanh tra đang thanh tra tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;
b) Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân đó;
c) Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng đó;
d) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 134 của Luật này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;
đ) Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó, trừ trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân;e) Công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp cấp tín dụng cho công ty con là tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc.
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này không được vượt quá 05% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài".
Tại Khoản 1 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng quy định:
"1. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây:
a) Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến trước ngày 1 tháng 1 năm 2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
b) Từ ngày 1 tháng 1 năm 2026 đến trước ngày 1 tháng 1 năm 2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
c) Từ ngày 1 tháng 1 năm 2027 đến trước ngày 1 tháng 1 năm 2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
d) Từ ngày 1 tháng 1 năm 2028 đến trước ngày 1 tháng 1 năm 2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
đ) Từ ngày 1 tháng 1 năm 2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó".
Theo đó, căn cứ Khoản 2 Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng; quy định tại Khoản 1 Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân.
Căn cứ Khoản 3 Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 135 và Khoản 1 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó (trong đó, từ ngày Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành đến trước ngày 1/1/2026, không được vượt quá tỷ lệ 23% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân); trường hợp khách hàng thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng thì đồng thời phải đảm bảo quy định tại Khoản 2 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo chinhphu.vn