Theo đó, nhà cung cấp phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian chơi trong ngày của người dưới 18 tuổi, không quá 60 phút đối với từng trò, không quá 180 phút với tất cả các trò chơi mà doanh nghiệp cung cấp.
Ngoài ra, đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị, với tuần suất 30 phút/lần trong suốt quá trình chơi.
Trước đây, nghị định 27 năm 2018 chỉ quy định về giới hạn thời gian 180 phút và áp dụng với trò chơi được phân loại G1, tức có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp. Trong khi nghị định mới mở rộng thêm quy định về việc chơi 60 phút một trò, đồng thời áp dụng trong việc cấp phép mọi trò chơi G1, G2, G3, G4, tức bao gồm cả các trò chơi online, offline, có tương tác giữa người chơi với nhau hay người chơi với máy.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin người chơi tại Việt Nam, bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động.
Sau khi đã có giấy phép cung cấp dịch vụ, để phát hành một trò chơi nào đó, họ tiếp tục phải đảm bảo các điều kiện về nội dung của trò chơi, phân loại theo lứa tuổi, đồng thời đảm bảo các điều kiện về nội dung, như không mô phỏng trò chơi trong casino, sử dụng hình ảnh lá bài, các nội dung miêu tả cụ thể các hành động bạo lực, khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục.
Ngoài ra, Nghị định 147 cũng có riêng một điều quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo và điểm thưởng, trong đó có quy định các vật phẩm ảo không được quy đổi thành tiền, thẻ trả trước, đồng thời không được mua bán giữa những người chơi với nhau.
Minh Đức