Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là thực hiện quản lý, bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các loài sinh vật biển, loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, loài có giá trị kinh tế, khoa học sống trong khu bảo tồn; bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế biển.
Mục tiêu cụ thể là duy trì chức năng các hệ sinh thái và chất lượng nơi sinh cư của các loài sinh vật; tăng mức độ bổ sung cho quần đàn của các loài sinh vật sinh sống xung quanh khu bải tồn biển; giảm thiểu hoặc loại bỏ những tác động làm suy giảm chất lượng môi trường, cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và tài nguyên thiên nhiên.
Đồng thời, bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có giá trị bảo tồn: Thằn lằn đuôi vàng (Cnemaspis psychedelica), sóc bông Hòn Khoai (Callosciurus honkhoiensis), bồ câu nicobar (Caloenas nicobarica), đại bàng biển bụng trắng (Haliaeetus leucogaster), dan hô cành (Acropora spp.), tôm hùm đá (Panulirus homarus), trai bàn mai (Atrina vexillum), trai ngọc nữ (Pteria penguin)…
Bên cạnh đó, vận động 100% doanh nghiệp, cộng đồng ngư dân các địa phương có hoạt động du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản,… trong khu vực khu bảo tồn biển ký cam kết tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và phát triển bền vững.
Ngoài ra, nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân trong công tác bảo tồn biển; cải thiện và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển.
Được biết, tổng nhu cầu kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch quản lý khu bảo tổn biển tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025 – 2030 gần 279 tỉ đồng.
Thuận Yến (t/h)