Bộ trưởng Tài chính: Ban Chỉ đạo 389/QG không làm thay việc của địa phương, bộ ngành - Hình 1

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn (Ảnh: QH)

Chuyển giá gây bức xúc

ĐB Vũ Thị Thủy đặt câu hỏi: Tình hình chuyển giá ngày càng gia tăng, phức tạp. Bộ Tài chính có giải pháp gì khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời: Chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội, Quốc hội, cũng như đồng bào cử tri.

Về khuôn khổ pháp lý, từ năm 1995, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn kiểm soát vấn đề chuyển giá, đến nay vẫn tiếp hoàn thiện các chính sách. Năm 2017, Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 tháng 2/2017 kiểm soát vấn đề chuyển giá với doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết.

Thời gian qua, đặc biệt năm 2016, cơ quan thuế đã tiến hành 1.406 cuộc thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp FDI, truy thu, truy hoàn 1.310 tỷ đồng. Năm 2017, đã tiến hành 1.288 cuộc thanh tra, truy thu, truy hoàn 3.085 tỷ, giảm khấu trừ 265 tỷ...

Bộ trưởng cho rằng, đây là vấn đề lớn, trong thời gian tới cần có sự phối hợp giữa các ngành để triển khai đồng bộ. Quá trình liên hoàn từ đăng ký đầu tư, kinh doanh đều xảy ra chuyển giá. Bộ đang hoàn thiện chính sách trình Chính phủ để giải quyết vấn đề này.

Phân định rõ nhiệm vụ ban chỉ đạo 389

ĐB Trương Anh Tuấn nêu: Cử tri các địa phương đã phản ánh tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất đáng quan tâm và đang diễn biến phức tạp. Điều đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển, cản trở sản xuất, làm mất lòng tin của người tiêu dùng và gây xói mòn thị trường, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Bộ Tài chính có vai trò thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ triển khai những giải pháp gì để công tác này đạt hiệu quả cao hơn?

Bộ trưởng trả lời, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không làm thay cho địa phương, bộ, ngành. Các bộ, ngành phải triển khai công tác theo nhiệm vụ được giao. Các địa phương phải chịu trách nhiệm trên địa bàn của mình. Ban chỉ đạo ở đây xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra đột xuất, xử lý những vấn đề phức tạp. Đó là nguyên tắc chung. Ban chỉ đạo có quy chế làm việc, phối hợp.

Kết quả, từ năm 2016 đến tháng 10/2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 411.642 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 39.604 tỷ đồng. Các lực lượng vào cuộc đồng bộ như công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, thuế, quản lý thị trường…

Hiện tại, có thể nói tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp. Đường biên giới dài, đường biển dù có tăng cường kiểm soát, nhưng rõ ràng vẫn phức tạp, cũng như chưa đủ lực lượng triển khai.

Theo Bộ trưởng, trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề ra một số giải pháp: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, sớm trình Thủ tướng ban hành chỉ thị tăng cường chất lượng nguồn gốc dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thuốc cổ truyền.

Bộ đã tham mưu cho trưởng ban ký các kế hoạch chuyên đề về công tác phòng chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng…

Tiếp tục chỉ đạo bộ, ngành địa phương, lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình điều tra cơ bản, xây dựng các kế hoạch chuyên đề, tập trung đấu tranh trọng tâm, trọng điểm, đường dây ổ nhóm, các đối tượng buôn lậu, hàng giả, đặc biệt, trong dịp Tết.

Tiếp tục sửa đổi các chính sách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tới người dân.

Đoàn Huế