Xuất khẩu nông sản Hưng Yên “gặt hái” nhiều kết quả tích cực
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Hưng Yên được mệnh danh là xứ sở của Nhãn lồng với hương vị thơm ngon đặc biệt; đồng thời, cũng là địa phương có thế mạnh về nhiều loại nông sản đặc trưng, cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị cao.
“Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền tỉnh luôn chú trọng xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối người sản xuất, hợp tác xã với các kênh tiêu thụ trong và ngoài nước, góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả cho người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Đánh giá cao sự năng động và nỗ lực của tỉnh trong công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực cùng các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp địa phương (trong đó có tỉnh Hưng Yên) triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Hưng Yên nói riêng và các địa phương nói chung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thúc đẩy kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bộ sẽ tích cực hỗ trợ các địa phương phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử; đồng thời, chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhất là Thương vụ ở các thị trường lớn, quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Singapore, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…Tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã ký kết (nhất là các FTA thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, RCEP…) để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu hàng nông, thủy sản có tính mùa vụ.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng trân trọng cảm ơn Đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế; hoan nghênh và biểu dương các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng tỉnh Hưng Yên về các thành tựu đạt được và cảm ơn cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố đã luôn quan tâm phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ; mong rằng trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các tổ chức, cá nhân, giúp Bộ Công Thương hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Để sản xuất, tiêu thụ nhãn và các mặt hàng nông sản của tỉnh Hưng Yên được thuận lợi, ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, với góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp và người sản xuất tỉnh Hưng Yên quan tâm một số nội dung sau:
Một là, khẩn trương quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó cần chú trọng làm tốt việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu của thị trường; quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đạt chuẩn an toàn sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch; đồng thời hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ, tổ chức tốt việc kết nối, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa các hộ gia đình, hợp tác xã với các doanh nghiệp phân phối, kênh siêu thị và doanh nghiệp xuất khẩu, bảo đảm chủ động, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường, định hướng sản xuất; đẩy mạnh kết nối hoạt động giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại của tỉnh với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và giữa các trung tâm với nhau để đồng hành chia sẻ thông tin thị trường, hỗ trợ mở rộng kênh phân phối cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất.
Hai là, hiện nay nước ta đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19, tuy nhiên dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đồng thời những thách thức toàn cầu khác như khủng hoảng năng lượng, chi phí logistic, lạm phát tăng cao… Vì vậy, tỉnh cần chủ động nắm chắc diễn biến tình hình và chuẩn bị sẵn tâm thế, phương án, cách làm hiệu quả cho việc tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh trong mọi tình huống; chủ động thực hiện song hành kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất với các thương nhân phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.
Ba là, chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường, tình hình sản xuất và lưu thông sản phẩm nông sản ở địa phương, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp, người sản xuất để chủ động điều chỉnh theo tín hiệu của thị trường; đồng thời, quan tâm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm tạo sự chủ động trong sản xuất kinh doanh và nâng cao giá trị nông sản. Về lâu dài, cần tập trung hình thành, phát triển các chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và xuất khẩu theo ngành hàng; tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, trực tiếp và trực tuyến nhằm chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Minh An (T/h)