Hội thảo “Giải pháp quản lý và phát trriển TMĐT toàn quốc – 2023” - do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số  (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Định và Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Viết Hiền)

Tham dự Hội thảo, có các vị: Tiến sỹ Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số; Nguyễn Đình Kha, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Định; Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số; cùng gần 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo, chuyên viên sở công thương thuộc 25 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Giải pháp quản lý và phát trriển TMĐT toàn quốc – 2023”, ông Nguyễn Đình Kha đã giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của Hội thảo. 

Ông Nguyễn Đình Kha phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ông Nguyễn Đình Kha phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: V.H)

Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết: Trong tiến trình chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế của đất nước như hiện nay, TMĐT đang đóng một vai trò thiết yếu và vô cùng quan trọng. TMĐT tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với tốc độ tăng trưởng cao năm 2022 (+20%). Sự ra đời của TMĐT - đã làm cho mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp được thay đổi đáng kể và đang trở thành xu thế mới, thay thế dần phương thức kinh doanh cũ với rất nhiều ưu thế và mang lại hiệu quả cao.

Phát triển TMĐT sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và thực thi kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương và phù hợp với chủ trương của Nhà nước - được phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Hy vọng rằng, Hội thảo sẽ góp phần định hướng và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển TMĐT hiện nay tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung… 

Ông Nguyễn Đình Kha phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tiến sỹ Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Ảnh: Viết Hiền)

Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, TS. Lê Hoàng Oanh đã giới thiệu một số nội dung chủ yếu về quá trình hình thành, phát triển và vai trò quan trọng của TMĐT.

Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, cho biết: Những năm gần đây, TMĐT Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Hiện tại, trên 73% dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong số đó có tới 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Năm 2022, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng 20% và doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. TMĐT Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô và dẫn đầu về tốc độ phát triển.

Những thành tựu ấn tượng trên là kết quả của một hệ thống chiến lược, chính sách dài hạn và nhất quán của Chính phủ nhằm phát triển TMĐT từ đầu những năm 2010, là sự nỗ lực, đồng hành, phối hợp với Bộ Công Thương của tất cả các địa phương trên toàn quốc mà đặc biệt là của các sở công thương, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT và các lĩnh vực liên quan…

Tuy nhiên, theo TS. Lê Hoàng Oanh, mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, song TMĐT cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề trong thực tiễn, như: Tình trạng hàng gian, hàng giả, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường TMĐT; tình trạng phát triển không đồng đều của TMĐT giữa khu vực thành thị và nông thôn, cũng như giữa các thành phố lớn của Việt Nam; tình trạng manh mún, thiếu tính liên kết về TMĐT giữa các vùng; hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics phục vụ TMĐT... Các vấn đề nóng bỏng của thực tiễn như trên đòi hỏi các cơ quan quản lý phải liên tục nỗ lực, nâng cao năng lực quản lý và giải quyết vấn đề để đảm bảo sự phát triển bền vững, lành mạnh của TMĐT trong thời gian tới.

Chính vì vậy, mục đích của Hội thảo lần này là nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong phát triển TMĐT cho cán bộ quản lý, chuyên viên thuộc sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của các đề án phát triển TMĐT, thảo luận các giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế trong TMĐT và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trong TMĐT. 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn trình bày báo cáo.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn trình bày báo cáo (Ảnh: V.H)

Tiếp đó, Hội thảo đã được các chuyên gia của Cục TMĐT và Kinh tế số giới thiệu một số báo cáo tham luận xung quanh các chủ đề “Chính sách phát triển TMĐT & KTS tại các địa phương và tăng cường quản lý hoạt động TMĐT”, “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT & KTS”, “Nhóm giải pháp hỗ trợ”...

Trong số này, có khá nhiều báo cáo được nhiều đại biểu quan tâm, như:

“Cơ chế, chính sách phát triển TMĐT của Việt Nam và thực tiễn triển khai”; “Gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong TMĐT và chế tài xử lý” (do ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT - Cục TMĐT&KTS trình bày); “Nâng cao năng lực triển khai Chương trình phát triển TMĐT quốc gia”;

“Chính sách và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại địa phương (giới thiệu Đề án phát triển kinh tế số ngành công thương)”; “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương và xúc tiến bán hàng online”; “Ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quản lý nhà nước”; “Tăng trưởng TMĐT tại các địa phương trên các sàn giao dịch trực tuyến”; “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển TMĐT của địa phương”...

Các đại biểu theo dõi nội dung các báo cáo tham luận qua laptop.
Các đại biểu theo dõi nội dung các báo cáo tham luận qua laptop (Ảnh: Viết Hiền)

Ngoài ra, Ban tổ chức Hội thảo “Giải pháp quản lý và phát trriển TMĐT toàn quốc – 2023” còn dành thời gian để các đại biểu thảo luận về một số vấn đề, như: “Cơ chế, chính sách và định hướng phát TMĐT tại Việt Nam”; “Nghiệp vụ báo cáo, thống kê hoạt động TMĐT tại Việt Nam”; “Giải pháp phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam”...

Viết Hiền

                                                                                                                                                                                                                                                       

  •  
  •  
  •  
  •  
  •