Diễn biến nhiều kịch tính
Ngày 5/11 tới là thời điểm bẩu cử Tổng thống Mỹ với cuộc đua gay cấn giữa ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris. Đây không chỉ là sự kiện chính trị riêng của nước Mỹ, mà giới tài chính toàn cầu cũng dõi theo từng bước với sự kiện này. Điều đáng chú ý là các số liệu cập nhật hàng ngày cho thấy đôi khi lợi thế nghiêng về một bên nào đó, nhưng cũng giống như nhiều cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trước đây, mọi dự đoán cũng có thể thay đổi liên tục cho đến phút chót.
Trên thị trường tài chính, cổ phiếu của Công ty truyền thông xã hội Trump Media của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump bùng nổ trên Phố Wall trong tháng 10. Cổ phiếu Trump Media nổi sóng trong bối cảnh công ty không công bố một nguồn doanh thu tăng trưởng đáng chú ý nào, hoặc một sản phẩm mới hấp dẫn có thể giải thích cho động thái này. Mặc dù vậy, cổ phiếu Trump Media sau đó cũng có thời điểm bị điều chỉnh mạnh, riêng ngày 30/10 đã bị mất giá tới 22,3%, mức mất giá lớn nhất trong 1 ngày kể từ khi cổ phiếu này niêm yết.
Không chỉ riêng với cổ phiếu của Trump Media, các diễn biến của nhiều tài sản tài chính cũng biến động thăng trầm theo cảm xúc của giới đầu tư đối với các tín hiệu từ cuộc bầu cử.
Vừa qua, các chiến lược gia của JPMorgan do Nikolaos Panigirtzoglou dẫn đầu đã đưa ra một lưu ý cho biết, thị trường tín dụng đang định giá xác suất cao hơn cho khả năng ông Donald Trump thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng các thị trường khác “dường như định giá với xác suất khá thấp”.
Tăng khả năng “phòng vệ” nếu xuất khẩu bị ảnh hưởng
Thực tế các biến động của thị trường tài chính cũng có những cơ sở bởi các quan điểm khác nhau của các ứng cử viên về chính sách kinh tế nếu được lên nắm quyền. Ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao Exness Investment Bank cho biết, trường hợp nếu ông Trump đắc cử thì các chính sách sẽ có xu hướng tăng các rào cản thuế quan. “Ông Trump cũng không muốn duy trì chính sách mở về nhập cư và điều này cũng sẽ ảnh hưởng thị trường lao động, các chi phí lao động sẽ tăng cao và điều đó có thể gây áp lực về lạm phát”, ông Đạt nhận định.
Trong khi đó, đối với Việt Nam, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Năm 2023, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 27,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tỷ trọng này tiếp tục được nâng lên trong năm 2024, cụ thể kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 89,5 tỷ USD, chiếm 29,8%.
Với trạng thái này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, nếu Mỹ thực hiện chính sách gia tăng các hàng rào bảo hộ về thuế quan thì các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng.
Để tăng khả năng “phòng vệ” trước yếu tố xuất khẩu có thể sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới, một báo cáo phân tích mới đây, VinaCapital cho rằng, tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế Việt Nam nên việc thúc đẩy tiêu dùng mạnh mẽ hơn sẽ là yếu tố có thể bù đắp cho những ảnh hưởng có thể có đối với tăng trưởng xuất khẩu. “Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ tăng cường đầu tư đáng kể cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025, và kỳ vọng rằng việc này cũng sẽ làm người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn để tăng chi tiêu”, phân tích đưa ra từ VinaCapital cho biết.
Ở góc độ thị trường tiền tệ, ông Trump có thái độ bảo vệ giá trị đồng USD, khi trong một số luận điểm tranh cử vừa qua đã tuyên bố sẽ đấu tranh để giành lại vị thế của đồng Đô la Mỹ trở lại là đồng tiền dự trữ của thế giới. Liên kết việc này với thị trường tiền tệ của Việt Nam, diễn biến sức mạnh của đồng USD luôn luôn có sự liên hệ với tỷ giá VND/USD trong nước.
Cụ thể, tỷ giá của VND so với USD trong thời gian qua luôn biến động đồng pha với diễn biến giá của đồng USD trên thị trường quốc tế. Theo đó, khi chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD tăng thì tỷ giá trong nước của Việt Nam cũng biến động tăng theo và ngược lại. Diễn biến riêng trong tháng 10 cho thấy, chỉ số DXY đã tăng khoảng 3%, trong khi đó tỷ giá VND/USD bán ra tại các ngân hàng thương mại trong nước của Việt Nam đã tăng khoảng 2,7%.
Tín hiệu từ cuộc họp tháng 11 của FED
Một trong những sự kiện sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 được giới tài chính quan tâm là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ có một cuộc họp thường kỳ, theo đó cơ quan này có thể đưa ra các quyết định quan trọng về lãi suất. Trong đó, diễn biến cuộc bầu cử tại Mỹ cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến các quyết định của FED.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn