Trong tháng 10, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng trưởng 37%, đưa Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) lên vị trí thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong tháng này. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 1,5 tỷ USD.
Ngoài Trung Quốc, các thị trường chủ lực khác cũng có sự tăng trưởng đáng chú ý. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 31%, sang Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, và Hàn Quốc tăng 13%. Trong đó, khu vực EU dù hồi phục chậm nhưng đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu tích cực về mức tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản, tạo triển vọng khả quan cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo VASEP, xuất khẩu sang EU tính đến tháng 10/2024 tăng 11% so với cùng kỳ, cho thấy châu Âu vẫn là thị trường tiềm năng quan trọng. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn từ 1,5% đến 2%, do ảnh hưởng của lạm phát kéo dài. Nhật Bản từng là một trong hai thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam, nhưng đã tụt xuống vị trí thứ ba trong năm 2024, với kim ngạch đạt 1,25 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, trong khi Hàn Quốc chỉ đạt 646 triệu USD.
Đến cuối tháng 10, xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước, còn cá tra đạt 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Đặc biệt, trong tháng 10, xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt tăng 26% và 24% – một dấu hiệu tích cực cho mùa cao điểm cuối năm.
Thị trường Mỹ đón nhận tin vui khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ cho tôm nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 2,84%, thấp hơn so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Trong tháng 10, xuất khẩu cua ghẹ tăng 58%, còn nhuyễn thể có vỏ tăng 138%. Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ đạt 267 triệu USD, còn nhuyễn thể có vỏ đạt 173 triệu USD, tăng lần lượt 66% và 58% so với năm trước. Nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và các thị trường khác đã tạo cơ hội đáng kể cho hai mặt hàng này.
Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc tuy vẫn tăng trưởng trong tháng 10 nhưng đang gặp khó khăn do tác động từ Nghị định 37 về kiểm soát hải sản khai thác. Quy định này yêu cầu các cơ sở khai thác phải tuân thủ nghiêm ngặt về kích thước và loại hình khai thác, làm chậm lại quá trình xác nhận và chứng nhận thủy sản tại các cảng cá, đặc biệt là với cá ngừ vằn – nguyên liệu quan trọng cho chế biến đóng hộp. Nếu tình hình không cải thiện, việc đạt mục tiêu xuất khẩu cá ngừ 1 tỷ USD trong năm 2024 có thể bị ảnh hưởng.
Đại diện VASEP cho biết, ngành hải sản đang đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình thanh tra của Liên minh châu Âu về kiểm soát khai thác bất hợp pháp (IUU) vào tháng 11/2024.
P.V(t/h)