Khắc phục triệt để cơ chế xin -cho, tư duy “không quản được thì cấm”

Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, giải quyết điểm nghẽn về thể chế chính là khơi thông điểm nghẽn trong xây dựng và tổ chức thực thi luật, khắc phục triệt để cơ chế xin -cho, tư duy “không quản được thì cấm” và tình trạng có chủ trương, có luật rồi nhưng chùng chình chưa muốn làm, chưa muốn đổi mới. 

Ảnh VOV.vn.
Phải khắc phục triệt để cơ chế xin - cho, tư duy “không quản được thì cấm”, có luật rồi nhưng chưa muốn làm, chưa muốn đổi mới. Ảnh VOV.vn.

Đại biểu Trần Văn Tuấn, đoàn Bắc Giang cho rằng, còn tới 19 vấn đề liên quan đến Luật đất đai, 15 vấn đề liên quan đến Luật nhà ở và 4 vấn đề liên quan đến Luật kinh doanh bất động sản chưa được quy định chi tiết và hướng dẫn rõ ràng trong các nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ ngành liên quan.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn Cần Thơ cho biết, khó khăn nhất mà các địa phương gặp phải khi triển khai dự án nhà ở xã hội đó là hệ thống pháp luật đã ban hành đầy đủ nhưng hạn chế về tính thống nhất, nhiều văn bản chồng chéo, đặc biệt là vấn đề về quy hoạch và quy trình thủ tục, cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư.

Nguyên nhân không mới, những giải pháp đã được nhiều lần nhắc đến như phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi luật, đặc biệt vấn đề định giá đất, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân cấp…

Ảnh internet.
Phải khắc phục triệt để cơ chế xin - cho, tư duy “không quản được thì cấm”, có luật rồi nhưng chưa muốn làm, chưa muốn đổi mới. Ảnh internet.

Giám sát chuyên đề của Quốc hội đã chỉ ra vướng mắc, bất cập từ hệ thống pháp luật đến thực thi trong lĩnh vực này nhưng việc hiện thực hoá giải pháp tạo chuyển động thực tế còn nhiều vấn đề. Chỉ có một điều hiển nhiên, không quyết liệt thay đổi, việc khơi thông nguồn lực về đất đai phục vụ cho sự phát triển sẽ bị ách tắc kéo dài và tạo cơ hội cho lợi ích nhóm.

Chi thường xuyên cho bộ máy cồng kềnh, tốc độ tăng năng suất lao động chưa được 5%

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị thẳng thắn nhìn vào những vấn đề rất đáng suy ngẫm: Hơn 70% ngân sách để trả lương và chi thường xuyên cho bộ máy cồng kềnh, tốc độ tăng năng suất lao động chưa được 5% không đạt được mục tiêu đề ra; một việc nhiều người làm, tâm lý chùng chình chưa muốn đổi mới. Do đó, phải tinh gọn bộ máy, tiếp tục giảm biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Theo Tổng Bí thư, bộ máy quản lý không rõ chức năng, không phân cấp cho địa phương; Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giảm dần, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực. Muốn tăng năng suất lao động thì lao động phải có tay nghề, ít người làm dồn vào một việc và phải có hàm lượng khoa học công nghệ, cách thức quản lý tốt. 

Tổng Bí thư cũng nhắc lại Kỷ nguyên mới mà ông hay nhắc đến là phải bứt tốc hơn nữa với mục tiêu 2045 là nước phát triển thu nhập cao. Tuy nhiên, nếu như với tốc độ hiện nay thì nhiều khả năng không đạt được. Bởi còn 20 năm nữa thì quy mô nền kinh tế phải gấp 3 lần hiện nay, thu nhập bình quân đầu người phải gấp 3 lần mới đạt được mục tiêu.

Ảnh internet.
Phải khắc phục triệt để cơ chế xin - cho, tư duy “không quản được thì cấm”, có luật rồi nhưng chưa muốn làm, chưa muốn đổi mới. Ảnh internet.

Trong tuần, phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo luật bảo hiểm y tế sửa đổi cũng nhận được sự quan tâm của cử tri. Cần tăng tỷ lệ dành cho khám chữa bệnh, ngăn chặn tình trạng trục lợi trong quản lý, sử dụng quỹ, hoàn thiện quy định về giám định y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh nhằm tăng quyền lợi tối đa cho người tham gia, mở rộng diện bao phủ… là những giải pháp được đại biểu Quốc hội tập trung đề xuất.

Những phiên làm việc tập trung cho công tác xây dựng luật trong tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV giúp chúng ta nhận diện sâu sắc hơn về tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết của việc giải quyết những điểm nghẽn về thể chế.

PV (t/h)