Tổng thống Mỹ có quyền lực ban hành chính sách đối ngoại, kiểm soát quân sự, và quyền sử dụng vũ khí hạt nhân - những yếu tố có khả năng tác động lớn tới ổn định của cả khu vực và thế giới. Quyết sách của Tổng thống Mỹ về thương mại, an ninh quốc tế và biến đổi khí hậu có tác động mạnh đến các quốc gia khác, từ các cường quốc kinh tế như Trung Quốc và Liên minh châu Âu đến các quốc gia đang phát triển.
Chính sách của Mỹ trong việc hỗ trợ hoặc giảm bớt cam kết với các liên minh và tổ chức quốc tế như NATO, WTO, hay các hiệp định quốc tế (như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu) cũng sẽ ảnh hưởng đến ổn định chính trị và kinh tế toàn cầu.
Với xu hướng hiện tại khi nhiều quốc gia lớn cạnh tranh về thương mại, công nghệ và quân sự, hướng đi của Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay được đặc biệt quan tâm.
Dự báo kết quả
Các thăm dò dư luận uy tín ở Mỹ hiện nay cho thấy hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump có tỷ lệ ủng hộ rất sít sao trên phạm vi cả nước Mỹ, nhất là tại các bang chiến trường. Đến ngày 30/10, kết quả thăm dò của Gallup cho thấy ông Donald Trump đang dẫn bà Kamala Harris với tỷ lệ 50/48, trong khi Pew Research lại cho thấy ông Trump đang bám sát bà Harris với tỷ lệ 47/48 điểm phần trăm.
Tại các bang truyền thống, ông Trump thu hút cử tri nhờ quan điểm cứng rắn về nhập cư và ưu tiên kinh tế nội địa. Các bang “đỏ” như Texas và Florida thể hiện ủng hộ rõ rệt cho ông Trump. Ngược lại, bà Harris tập trung vào công bằng xã hội và môi trường, thu hút cử tri tại các bang “xanh” như California.
Ở các bang chiến trường, cuộc đua rất gay cấn. Bà Harris dẫn trước tại Michigan (ba điểm), Pennsylvania và Wisconsin (1-2 điểm), phản ánh ưu tiên về chính sách y tế và giáo dục của cử tri. Ông Trump lại dẫn hai điểm tại Georgia nhờ tập trung vào vấn đề kinh tế và việc làm. Điều đó cho thấy chênh lệnh nằm hoàn toàn trong phạm vi sai số thống kê của các biện pháp lấy mẫu thăm dò hiện nay (tuỳ phương pháp, vào khoảng từ 3-5%).
Kết quả điều tra dư luận cho thấy rất khó dự báo kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay và kết quả cuối cùng có thể phụ thuộc vào các yếu tố bất ngờ, như tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, thậm chí thời tiết ngày bầu cử!
Tuy nhiên, dự báo bầu cử Mỹ không đơn thuần là dự đoán kết quả ai sẽ đắc cử tổng thống, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh dự báo khác liên quan đến các yếu tố cấu thành nên quyền lực chính trị của Mỹ. Bên cạnh cuộc đua vào Nhà Trắng, các cuộc bầu cử Quốc hội, gồm Thượng viện và Hạ viện, cũng là trọng tâm của dự báo. Việc nắm quyền kiểm soát Quốc hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thông qua chính sách của Tổng thống, và tác động lên hiệu quả quản trị quốc gia.
Theo thống kê và quan sát hiện trạng chính trị Mỹ hiện nay, khả năng rất cao là không đảng nào có thể giành được cả ghế tổng thống và đa số trong lưỡng viện của Quốc hội Mỹ, khả năng cao là Quốc hội Mỹ bị chia rẽ, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ phải thoả hiệp với Quốc hội trong việc ban hành và thực thi các chính sách lớn.
Việc dự báo còn đi xa hơn là phân tích tác động tiềm năng của kết quả bầu cử. Kết quả này có thể dẫn đến điều chỉnh chính sách đối ngoại và chiến lược quốc tế của Mỹ, hoặc chuyển dịch trong các ưu tiên kinh tế và quốc phòng.
Ví dụ, một chính quyền Dân chủ đẩy mạnh các cam kết về biến đổi khí hậu và nhân quyền, trong khi chính quyền Cộng hòa thường tập trung cải cách thuế và giảm thiểu các rào cản kinh tế trong nước. Kết quả bầu cử thống đốc bang có thể ảnh hưởng đến chính sách bang đối với các vấn đề nhập cư, y tế và giáo dục, tạo nên sự khác biệt lớn trong cục diện chính trị quốc gia.
Bầu cử Mỹ năm 2024 cho thấy có sự phân cực ngày càng sâu sắc trong xã hội Mỹ, một xu hướng từng xuất hiện trong các cuộc bầu cử trước nhưng trở nên rõ ràng hơn sau nhiệm kỳ vừa qua. Các vấn đề chính trị và văn hóa như quyền phá thai, quản lý nhập cư, quyền sở hữu súng và biến đổi khí hậu tiếp tục chia rẽ sâu sắc các nhóm cử tri. Những cuộc tranh luận về tính chính xác, minh bạch của hệ thống bầu cử từ cuộc bầu cử năm 2020 trở thành nội dung được cử tri Mỹ rất quan tâm.
Điểm khác biệt nữa là tác động của công nghệ và truyền thông. Trong thời đại mạng xã hội và tin giả lan tràn, các chiến dịch tranh cử phải đối diện với áp lực lớn trong kiểm soát thông tin. Các nền tảng mạng xã hội và phương tiện truyền thông đã trở thành công cụ quan trọng trong việc định hình hình ảnh ứng viên, nhưng đồng thời có thể bị nghi ngờ là kênh phát tán thông tin sai lệch nhằm hạ uy tín của các đối thủ chính trị.
Một điểm đồng là cả hai bên đều tập trung nỗ lực thu hút các nhóm cử tri dao động tại những bang chiến trường, có thể quyết định kết quả chung cuộc.
Chiến lược chủ đạo
Chiến lược của đảng Dân chủ tập trung vào việc duy trì những thành quả kinh tế và xã hội đã đạt được trong thời gian qua. Ứng viên của đảng Dân chủ tiếp tục cam kết cải thiện y tế, tăng cường phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và thúc đẩy bình đẳng xã hội. Để thu hút nhóm cử tri trẻ tuổi và các nhóm thiểu số, chiến lược của họ bao gồm các thông điệp về biến đổi khí hậu, quyền con người, và cải cách luật pháp nhằm tạo ra một xã hội công bằng hơn.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa thường tập trung vào thông điệp tái thiết kinh tế, bảo vệ truyền thống và đẩy mạnh quyền tự do cá nhân. Chiến lược tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa có xu hướng chỉ trích các chính sách hiện tại của Dân chủ và cam kết thay đổi hệ thống thuế, giảm thiểu chi phí kinh doanh, và củng cố an ninh biên giới. Họ nhấn mạnh vai trò của một nước Mỹ mạnh mẽ, độc lập về kinh tế và quân sự, thu hút nhóm cử tri bảo thủ và các doanh nghiệp.
Thu hút sự quan tâm lớn
Các quốc gia ở khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN và chắc chắc cả Việt Nam đều đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử Mỹ vì kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề thương mại, an ninh khu vực và chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực này. Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến chính sách của Mỹ với Đài Loan (Trung Quốc).
Một chính quyền Dân chủ có thể sẽ ưu tiên duy trì liên lạc cấp chiến lược và xây dựng mạng lưới đồng minh đối tác để tác động tới môi trường đối ngoại của Trung Quốc, trong khi chính quyền Cộng hòa có thể sẽ sẵn sàng có các bước đi đơn phương cứng rắn với Bắc Kinh, nhất là các biện pháp kinh tế, thương mại như thuế quan.
Nhật Bản và Hàn Quốc có mối quan tâm đặc biệt về vấn đề an ninh trong khu vực, nhất là trong vấn đề Triều Tiên. Cả hai quốc gia này quan tâm chính quyền Mỹ kế nhiệm sẽ duy trì các cam kết phòng thủ và hiệp định an ninh với các nước này ra sao. Các nước này tin rằng một chính quyền Mỹ duy trì ổn định các cam kết với các đồng minh ở Đông Á sẽ góp phần bảo đảm an ninh khu vực.
Các nước ASEAN rất quan tâm chính quyền Mỹ kế nhiệm sẽ nhìn nhận vai trò của tổ chức này ra sao, sẽ ưu tiên chủ nghĩa đa phương hay đề cao chủ nghĩa đơn phương, có thực sự coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN hay sẽ ưu tiên quan hệ song phương với một số thành viên chủ chốt.
Trong bối cảnh thế giới đang có những chuyển biến sâu sắc, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 sẽ không chỉ là cuộc đua giữa các ứng viên mà còn là cuộc trưng cầu ý kiến về hướng đi và vai trò, vị thế toàn cầu của Mỹ trong những năm tới. Kết quả này sẽ có tác động sâu rộng đối với cục diện thế giới, đặc biệt là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ xác định là khu vực Mỹ có lợi ích chiến lược lâu dài trong nhiều thập kỷ tới.
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Học viện Ngoại giao