Báo cáo của Google tại Hội thảo “Kiến tạo tương lai AI cho Việt Nam” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Google tổ chức, ngày 15/11.
Làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của AI trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, ông cho biết, Bộ đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Cụ thể, Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 5.000 kỹ sư có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được giao nhiệm vụ phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI. Đồng thời, Trung tâm này sẽ hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp AI, nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo chuyên sâu về AI với mục tiêu đào tạo 7.000 chuyên gia đạt tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo 500 công ty khởi nghiệp đến năm 2030.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết ủng hộ và đồng hành cùng cộng đồng AI trong nước và tiếp tục tham mưu các cơ chế, chính sách để phát triển công nghệ, đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI hàng đầu khu vực và thế giới.
Thực tế, để khai thác hết tiềm năng của trí tuệ nhân tạo cho nền kinh kế, nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng ứng dụng AI và tăng cường khả năng tiếp cận AI trên toàn nền kinh tế.
Đại diện của Google đã công bố Báo cáo tác động kinh tế: “Thúc đẩy tăng trưởng số tại Việt Nam cùng Google.” Nội dung báo cáo chỉ ra tiềm năng to lớn của AI tại Việt Nam và ước tính giá trị lợi ích kinh tế lên tới 1.890 nghìn tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030, tương đương 12% GDP.
Báo cáo này cũng đề xuất các chiến lược thu hẹp khoảng cách về kiến thức số và AI, từ đó giúp lực lượng lao động tận dụng hiệu quả AI trong công việc. Bên cạnh đó, báo cáo khuyến nghị Việt Nam có những chính sách hiệu quả nhằm giữ chân và phát triển nguồn nhân tài cho quốc gia, như mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục số và đẩy mạnh các chương trình đào tạo doanh nghiệp.
Theo tính toán của Google, việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng số được dự báo sẽ đóng góp thêm 658,6 nghìn tỷ đồng vào GDP năm 2030.
PV (t/h)