Tổng nguồn vốn đề xuất cho toàn Dự án là hơn 481 tỷ đồng; trong đó, vốn vay WB là hơn 331 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 90 tỷ đồng để sử dụng đầu tư xây dựng, phát triển và chuyển giao công nghệ và nguồn vốn khác hơn 59 tỷ đồng.
Dự án thực hiện tại tỉnh gồm 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 là phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi lúa gạo chất lượng cao các bon thấp. Tỉnh Tiền Giang đã đề xuất đầu tư hợp phần này với tổng kinh phí hơn 397 tỷ đồng gồm: Đầu tư hệ thống tưới tiêu để nâng cao hiệu quả quản lý nước và sử dụng nước, gắn với đầu tư 3 hệ thống năng lượng Mặt trời tại các trạm bơm điện; cải thiện hệ thống giao thông. Hợp phần 2 là phát triển và chuyển giao công nghệ, ước tính mức đầu tư hơn 74 tỷ đồng, trong đó, 14,16 tỷ đồng từ vốn đối ứng và 59,645 tỷ đồng từ nguồn vốn khác (doanh nghiệp, vốn hỗ trợ khác). Hợp phần 3 là quản lý dự án với kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng.
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang ban hành kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh và đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện. Đến nay, có 7/7 địa phương trên địa bàn tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án. Ngành Nông nghiệp tỉnh/huyện đều có kế hoạch cụ thể, chủ động đề xuất nguồn kinh phí cho các hoạt động của Đề án năm 2025.
Bên cạnh đó, đã phổ biến "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; nâng cao năng lực hợp tác xã; tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo...; đã tổ chức 2 lớp tập huấn TOT hướng dẫn "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL" cho 62 cán bộ kỹ thuật cấp tỉnh, huyện. Các huyện, thị, thành đã phổ biến quy trình này đến các hợp tác xã/tổ hợp tác, nông dân trong vùng Đề án...
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện 2 mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải trong vụ Hè thu năm 2024 tại huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông và tiếp tục nhân rộng các vụ tiếp theo. Đặc biệt, tỉnh đang phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế và Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT để thực hiện 2 mô hình/40 ha tại huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông.
Thuận Yến (t/h)