Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp quý I/2019 tăng 4,32%; ước quý II/2019 tăng 4,53%, cao hơn 0,08% so với cùng kỳ năm 2018.
Bảo vệ rừng đã phát hiện 5.691 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 1.117 vụ (giảm 16%) so với 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó: đã xảy ra 863 vụ phá rừng, giảm 109 vụ (giảm 11%), diện tích rừng bị phá 287 ha, giảm 34 ha (giảm 11%) so với cùng kỳ năm 2018. Đã xử lý hành chính 4.938 vụ; xử lý hình sự 126 vụ.
Thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây là những thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ, tiếp tục khẳng định uy tín của đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế; duy trì vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản.
Ảnh minh họa
Bên cạnh việc xuất khẩu đến trên 120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ Việt Nam đang quay lại thị trường nội địa, gắn kết chặt giữa người làm nghề rừng, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo động lực trực tiếp cho sản xuất lâm nghiệp, hình thành chuỗi liên kết.
Giá trị xuất khẩu lâm sản tăng đều trong 6 tháng qua, ổn định mức xấp xỉ 20% so với cùng kỳ 2018. Giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 5,23 tỷ USD, đạt 50% kế hoạch năm; xuất siêu ước khoảng gần 4 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, ước trồng rừng được khoảng 108.456 ha, đạt 51% kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ năm.
Về dịch vụ môi trường rừng, cả nước đã thu được 1.208,7 tỷ đồng, đạt 38,7% kế hoạch thu năm 2019, bằng 111% so với cùng kỳ năm 2018. Đây tiếp tục là nguồn tài chính tái đầu tư bền vững cho sản xuất lâm nghiệp gắn với an sinh xã hội sâu sắc.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ mới là 17.000 ha, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 237.386 ha. Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam đã trở thành thành viên hợp tác thứ 50 với PEFC.
Ngọc Linh