Xuất khẩu thủy sản và mục tiêu 8,5 tỷ USD: Thích nghi, biến thách thức thành cơ hội
Bên cạnh việc nắm bắt thật sát diễn biến thị trường, các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục linh hoạt trong việc phát triển và đa dạng hóa, đặc biệt chú ý tận dụng những thị trường tiềm năng, có ưu đãi thuế quan từ các FTA với Việt Nam như Anh, Canada, Australia…
Trước bối cảnh tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ tiếp tục gặp những khó khăn nhất định trong năm 2021. Để đạt được mục tiêu 8,5 tỷ USD, đòi hỏi ngành thủy sản cần mở rộng thêm thị trường, thích ứng với tình hình mới để tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội tại nhiều nước trên thế giới.
Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Năm 2021, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 8,5 tỷ USD. Vậy ông có thể cho biết VASEP đã đưa ra những giải pháp cụ thể nào để cùng chung tay thực hiện được mục tiêu này?
Ngay từ đầu năm, VASEP đã đưa ra dự báo xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2021 sẽ đạt khoảng 8,8 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2020. Con số này lạc quan hơn mục tiêu 8,5 tỷ USD vì có một số cơ sở để nhận định diễn biến thị trường khả quan hơn trong năm 2021.
Sự mở cửa và hồi phục nhu cầu của các thị trường từ tháng 3 đã giúp cho kết quả xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay tăng 14% đạt 3,27 tỷ USD. Với đà tăng trưởng này, kim ngạch 8,8 tỷ USD trong năm 2021 không phải là xa vời.
Qua hơn một năm “sống chung” với thị trường thời Covid-19, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã thích nghi để biến thách thức thành cơ hội bằng việc điều chỉnh linh hoạt cơ cấu sản phẩm xuất khẩu để phù hợp với xu hướng thay đổi của thị trường. Theo đó, các sản phẩm như tôm chân trắng, cá hộp, cá khô, thủy hải sản chế biến sẵn được tập trung sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn.
VASEP luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để chia sẻ, cung cấp thông tin kịp thời về biến động cung – cầu trên thị trường, sự thay đổi xu hướng và nhu cầu của các nước, các kế hoạch, chiến lược của các nước sản xuất khác, đồng thời cùng doanh nghiệp kiến nghị cơ quan Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thủy sản nắm bắt cơ hội, gia tăng xuất khẩu và vượt qua khó khăn do Covid-19.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang chịu tác động của Covid-19, ngành thủy sản gặp khó khăn gì, và thay đổi chiến lược thế nào để đảm bảo được mục tiêu?
Thực tế, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản vẫn bị tác động mạnh bởi nhu cầu chưa hồi phục đáng kể ở các thị trường, trong khi cước phí vận chuyển hàng đông lạnh đi các nước tăng gấp nhiều lần, tắc nghẽn trong vận tải như vụ kênh đào Suez hoặc kẹt cảng nhập khẩu tại Thanh Đảo và Đại Liên, Trung Quốc, càng làm cho tình trạng thiếu container thêm nghiêm trọng.
Trong khi đó, các chi phí đầu vào để sản xuất trong nước tăng mạnh. Ngay từ đầu năm, các mặt hàng thiết yếu và chính phục vụ cho hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản tăng từ 8-25%. Điển hình như, giá mặt hàng găng tay cao su, nhựa băng keo tăng 15%, bao bì đóng gói, hóa chất…
Trong năm 2020, do việc thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất làm căn cứ tính tiền thuê đất cũng đẩy giá thuế đất của doanh nghiệp từ 2-4 lần so với trước. Ngoài ra cuối năm ngoái, đề án thu phí sử dụng công trình khu vực cửa khẩu, cảng biển được thông qua, tuy mức phí không lớn nhưng lại có tác động dây chuyền rất lớn tới các doanh nghiệp về mọi mặt. Nhân thời điểm và cơ hội này, các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, logistic có cớ đua nhau “thổi” giá. Việc tăng phí tàu biển cũng là một trong những phản ứng mang tính domino này.
Có thể nói năm 2021 sẽ có một số doanh nghiệp có cơ hội thị trường và đà phát triển xuất khẩu từ năm 2020, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn, sau một năm thất bại vì Covid-19 làm giảm đơn hàng, làm suy yếu nguồn vốn.
Sự thay đổi quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia có phải là thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản trong năm nay?
Thách thức lớn nhất và bất ổn nhất đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam và các nước khác hiện nay là thị trường Trung Quốc, bởi quy định kiểm tra chặt chẽ tại các cảng nhập khẩu liên quan đến việc kiểm soát Covid. Quy định và quy trình kiểm tra phức tạp và chậm chạp gây ra tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng nhập khẩu của Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản từ nhiều nước vào thị trường này, trong đó có Việt Nam. Việc này đồng thời cũng làm giảm mạnh nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc.
Do vậy, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ và EU có chiều hướng hồi phục mạnh thì những động thái của Trung Quốc khiến cho xuất khẩu sang thị trường này chững lại.
Khó khăn tại Trung Quốc khiến các nhà xuất khẩu đều quay sang Mỹ và EU, do vậy áp lực cạnh tranh ở 2 thị trường này.
Theo ông, các doanh nghiệp ngành thủy sản cần phải thực hiện những công việc gì?
Trong bối cảnh Covid, các nước sản xuất là đối thủ của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề về sản lượng và xuất khẩu như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan. Trong khi đó, Việt Nam vẫn giữ được sản xuất ổn định, nguồn cung nguyên liệu thuỷ sản để chế biến xuất khẩu hiện nay khá dồi dào, nhất là với các mặt hàng tôm, cá tra. Nguồn nguyên liệu hải sản khó khăn hơn vì dịch bệnh Covid-19 ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu hải sản. Do vậy, yếu tố chính quyết định diễn biến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại chính là thị trường.
Vì vậy, việc quan trọng nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là nắm bắt thật sát diễn biến thị trường. Vì tác động của Covid-19, thị trường có thể thay đổi “trong chớp nhoáng” về quy định, chính sách và thay đổi về nhu cầu.
Ví dụ như vì lý do kiểm soát Covid-19, một cảng nhập khẩu là trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc, cảng Trạm Giang vừa quyết định tạm ngừng nhập khẩu thủy sản đông lạnh từ Việt Nam và 10 nước châu Á từ 20/6 đến 15/7/2021. Những tin đột ngột như vậy thực sự gây sốc cho doanh nghiệp.
Ngoài việc có trao đổi thông tin thường xuyên chặt chẽ với nhà nhập khẩu, với VASEP, việc quan trọng hơn cả là doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp kiểm soát, phòng dịch Covid-19 tại chính nhà máy sản xuất của mình, duy trì sản xuất ổn định và đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Vì Việt Nam đang được các thị trường đánh giá là nguồn cung cấp đáng tin cậy (về số lượng, chất lượng) nhất là sau khi các thị trường như EU, Mỹ mở cửa lại các lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và khách sạn, nhà hàng, du lịch, theo đó nhu cầu sẽ tăng mạnh trong những tháng tới.
Cũng giống như chiến lược của một số nước khác là tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, nhất là thị trường “tính khí thất thường” như Trung Quốc, các nhà xuất khẩu Việt Nam tiếp tục linh hoạt trong việc phát triển và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt chú ý tận dụng những thị trường có ưu đãi thuế quan từ các FTA với Việt Nam, nhất là những thị trường tiềm năng như Anh, Canada, Australia…
Song song với xuất khẩu nhưng cũng cần chủ động chiếm lĩnh thị trường trong nước. Vasep có những hoạt động nào thúc đẩy?
Đã nhiều năm nay VASEP đã tổ chức cho các doanh nghiệp phát triển tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước. Câu lạc bộ hàng nội địa của VASEP có nhiều doanh nghiệp đưa sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị trong nước và ngày càng được người tiêu dùng ưa thích.
Sau khi dịch Covid-19 xảy ra tác động đến xuất khẩu đi các nước, VASEP đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hoạt động xúc tiến tiêu thụ nội địa cho thủy sản của các doanh nghiệp, nhất là mặt hàng cá tra vốn chủ yếu để xuất khẩu đi các thị trường. Ngoài kênh bán lẻ, đã có một số doanh nghiệp lớn tiếp cận kênh dịch vụ thực phẩm để phân phối sản phẩm thủy sản, phần nào giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đoàn Huế (thực hiện)
Tin mới
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi có 29 nội dung được điều chỉnh, quy định mới
Ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi có 29 nội dung được điều chỉnh, quy định mới tập trung vào 5 nhóm chính sách.
Phú Yên: Kêu gọi ủng hộ đồng bào các tỉnh phía bắc bị thiệt hại do bão Yagi
UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên vừa có lời kêu gọi vận động ủng hộ đồng bào các tỉnh phía bắc bị thiệt hại do bão Yagi (cơn bão số 3)...
Thái Nguyên: Ước tính thiệt hại gần 196 tỷ đồng do ảnh hưởng của bão số 3
Do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), từ ngày 6 - 11/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to kèm dông, lốc, lũ, ngập lụt làm thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của Nhà nước và Nhân dân. Ước tính thiệt hại ban đầu là gần 196 tỷ đồng.
Bắc Ninh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tuyến đê Hữu Cầu và tiêu úng
Ngày 11/9, ông Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đê điều trên tuyến đê Hữu Cầu và công tác tiêu úng trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực miền núi phía bắc, đêm nay và ngày mai (12/9), khu vực tỉnh Phú Thọ chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Trung Bộ, khiến thời tiết các nơi trong tỉnh phổ biến đêm và sáng sớm có mưa, mưa vừa và có nơi có dông, cục bộ có nơi mưa to, sau có mưa vài nơi. Nền nhiệt độ tăng nhẹ và độ ẩm giảm dần. Nhiệt độ trung bình từ 24 - 29 độ C.
Tràng Định (Lạng Sơn): Ước tính thiệt hại hơn 300 tỉ đồng do bão số 3
Theo thông tin từ UBND huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, huyện Tràng Định là đơn vị thiệt hại nặng nhất do bão số 3 so với 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra là trên 300 tỷ đồng.
Câu chuyện thương hiệu
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào
Thuơng hiệu Than Hà Lầm với công tác bảo vệ môi trường