Suốt nửa đầu năm, xuất khẩu chè sang thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam là Pakistan đạt 13,4 nghìn tấn và 29,94 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh Pakistan, xuất khẩu chè sang các thị trường Mỹ, Ả Rập Xê Út, Malaysia, Đức và Philippines cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu chè sang Mỹ: Còn nhiều khó khăn, thách thức - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Trong các thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam, thị trường Mỹ rất đáng chú ý. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ: Trong 5 tháng đầu năm, trị giá nhập khẩu chè của Mỹ đạt 195,6 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ nhập khẩu mặt hàng chè từ một số thị trường chính trong như: Trung Quốc, Argentina, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada...

Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm, trị giá nhập khẩu chè của Mỹ từ thị trường Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao so với các nguồn cung chính. Tuy nhiên, thị phần nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp trong tổng nhập khẩu của Mỹ khi chỉ chiếm vỏn vẹn 2%. Con số này ghi nhận đã tăng so với thị phần 1,6% của cùng kỳ năm 2017.

Ông Peter Goggi - Chủ tịch Hiệp hội Chè Mỹ cho biết: “Người tiêu dùng Mỹ đã quen dùng một số loại chè nhất định. Đó là một thách thức. Song, sự độc đáo của chè Việt Nam, hương vị thơm ngon, cùng với lịch sử trồng chè lâu đời là thế mạnh trong thị trường chè đặc sản”.

Hiện có tới 158 triệu người Mỹ uống trà mỗi ngày. Tính ra, mỗi năm người Mỹ chi hơn 80 tỷ USD cho các sản phẩm trà. Đây được xem là thị trường tiềm năng cho sản phẩm chè đặc sản cao cấp của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia chè quốc tế nhấn mạnh Mỹ là thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, cách thức trồng, chế biến chè hiện không tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng. So với các nước trong khu vực, chè Việt Nam đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới. Nguyên nhân được cho là do không đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt. Việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho chè ở nhiều nơi còn khá tuỳ tiện. Những năm trước, đã có hàng tấn chè bị bạn hàng trả về do hàm lượng tạp chất và các chất không đạt tiêu chuẩn.

Đó là chưa kể tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu, xuất khẩu thường xuyên xảy ra, dẫn đến sản xuất, kinh doanh chè không ổn định và giá cả bấp bênh. Điều này vô tình làm giảm uy tín chè Việt.

Để có thể tạo dựng được thương hiệu chè Việt tại Mỹ và nhiều thị trường khó tính khác, theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), mặc dù chè Việt Nam đang dần nâng cao được giá trị trên các thị trường quốc tế nhưng để thay đổi hình ảnh chè Việt, khẳng định vị thế, khai thác tốt hơn các thị trường lớn, giàu tiềm năng như Mỹ. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè cũng cần đầu tư sâu hơn nữa vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chè, đặc biệt là quan tâm sát sao đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần mở những chiến dịch quảng bá, khai thác những câu chuyện lý thú về lịch sử trồng chè và văn hóa thưởng trà của người Việt.

Bảo Ngọc