Sáng 16.1, phiên tòa xử “đại án” Huyền Như diễn ra phần tranh luận của luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các Cty, ngân hàng và cá nhân. Ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - tiếp tục đến dự phiên tòa.
Áp giải Huyền Như về trại tạm giam sau phiên xử trưa nay (16.1). Ảnh: Phùng Bắc
Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP.Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank) tranh luận: “Vụ án này là một bài học xương máu liên quan đến quyền lợi vô cùng quan trọng và chính đáng của hàng triệu người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, vì vậy tôi không thể không nói kỹ, không thể không làm rõ, không thể không bảo vệ, không thể kết luận giản đơn theo kiểu vì không giữ thẻ tiết kiệm nên phải chịu mất oan 200 tỉ đồng gửi vào ngân hàng.
Trên thực tế, tại thời điểm Navibank mang tiền đi gửi VietinBank, không có quy định nào về việc không được phép mang tiền của ngân hàng này đi gửi ngân hàng khác. Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng thì tất cả các bị cáo là nhân viên của VietinBank đang bị xét xử oan sai về tội vi phạm các quy định về cho vay gây hậu quả nghiêm trọng”.
Luật sư Trương Thanh Đức đã nêu về đạo lý và pháp lý của việc yêu cầu VietinBank bồi thường, bằng 10 đại nghịch lý trong vụ án này, nếu VietinBank không trả tiền cho khách hàng gửi tiền bằng những hợp đồng hợp pháp, bằng con dấu thật, chữ ký thật, đó là:
Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì tất cả các bị cáo là nhân viên của VietinBank đang bị xét xử oan sai về tội vi phạm các quy định về cho vay gây hậu quả nghiêm trọng.
Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng thì đúng là tội phạm coi như đã hoàn thành việc chiếm đoạt ngay từ khi khách hàng vừa chuyển tiền vào tài khoản của chính mình tại ngân hàng - như luận tội của vị đại diện Viện KSND TPHCM.
Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng thì đúng là chức danh trưởng phòng của VietinBank không có giá trị đại diện cho VietinBank trong giao dịch với khách hàng - như lời của người đại diện VietinBank trước tòa.
Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng thì đúng là ngân hàng không chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng - như lời của bị cáo Huyền Như và người đại diện VietinBank trước tòa án.
Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng thì hệ thống quản trị rủi ro nội bộ của VietinBank là rất ổn, vì nó chẳng hề gây ra thiệt hại về tiền bạc nào cho VietinBank.
Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng thì có nghĩa là phía sai sót một phải gánh mọi hậu quả, trong khi bên sai trái mười thì hoàn toàn miễn trách.
Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng thì tiền gửi của khách hàng có thể bị tự động trở thành tài sản cầm cố để trả nợ thay cho một nghĩa vụ nào đó.
Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng thì tiền gửi của khách hàng có nguy cơ mất trắng, nếu chẳng may “dính” phải một cán bộ ngân hàng lừa đảo.
Nếu VietinBank không trả tiền gửi cho khách hàng thì làm sao có thể giải thích được với công chúng rằng, tiền gửi nằm trong tài khoản hợp pháp tại ngân hàng - theo hợp đồng thật, con dấu thật và chữ ký thật - cũng chẳng có gì bảo đảm.
Cuối cùng, tôi đề nghị HĐXX đặc biệt quan tâm xem xét trách nhiệm dân sự của VietiBank trong vụ án này. Nếu VietinBank - một ngân hàng thuộc loại lớn nhất Việt Nam - không trả tiền gửi cho khách hàng, thì: Mất con người là mất ít; mất tiền bạc là mất nhiều, nhưng mất lòng tin thì mới là mất hết.
Tất cả các luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các Cty, ngân hàng và cá nhân đều khẳng định: “VietinBank phải trả tiền cho khách hàng, khi tiền đã vào VietinBank và có bằng chứng là những sao kê…”.
Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Cty An Lộc cho rằng: “Tôi khẳng định người bị hại là VietinBank. Nếu Viện KSND cho rằng VietinBank vô can trong vụ án này thì tôi e rằng sẽ xảy ra sự đổ vỡ có hệ thống ngân hàng, vì người dân mất lòng tin vào ngân hàng, sẽ ùn ù đi rút tiền”.
Luật sư Phạm Danh Tín (Đoàn luật sư Hà Nội) tranh luận: “32 hợp đồng gửi tiền tại VietinBank của Ngân hàng Á Châu-ACB, với số tiền 668 tỉ đồng là hợp đồng có thật, tiền vào VietinBank hoàn toàn thật, có người gửi, có người nhận tiền, có đại diện hợp pháp, có đóng dấu VietinBank TPHCM là thật… Ông Hoàng, bà Hương - đều là Phó Giám đốc VietinBank TPHCM - đã thừa nhận 32 hợp đồng này là hoàn toàn thật. Sự việc này rất rõ, quá rõ, vậy mà vị đại diện Viện KSND lại cho rằng VietinBank không phải chịu trách nhiệm với khách hàng là ACB !. Sự việc rõ như ban ngày, rõ như 1 cộng 1 bằng 2, vậy mà Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa lại không hiểu?”.
Luật sư Phạm Danh Tín đề nghị: “Chức năng ngân hàng nhận tiền gửi và cho vay, ngân hàng cũng là nơi cất giữ tiền an toàn nhất cho người dân, cho tổ chức kinh tế, đây là thông lệ quốc tế… Đề nghị HĐXX phán xét công minh tại phiên tòa này để làm lòng tin của người dân không mất đi, mà còn tạo lòng tin cho các tổ chức nước ngoài đối với Việt Nam”.
Theo LĐ