Theo các đại biểu, thời gian qua công tác lập và trình dự án, đề án để đưa vào chương trình của Chính phủ đã có bước tiến đáng kể, đặc biệt khi thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016). Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản chi tiết luật, pháp lệnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng nêu thực tế, thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn có tình trạng những dự án phải thay đổi, phải dời chương trình hoặc đưa ra khỏi chương trình. Việc này lặp đi lặp lại khá nhiều và là tồn tại, hạn chế trong nhiều năm qua. 

Ông Trương Minh Hoàng đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng này, nhất là việc xử lý trách nhiệm thuộc về ai; đồng thời đặt vấn đề có nên điều chỉnh cách thức làm luật trong thời gian tới hay không? 

Trả lời chất vấn của ông Trương Minh Hoàng, Bộ trưởng Lê Thành Long thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng “xin lùi, xin rút, xin điều chỉnh và bổ sung vào chương trình hàng năm”. Tuy nhiên, tình trạng "xin lùi, xin rút" đã bớt đi. Bộ trưởng Long nêu dẫn chứng, dự án rút khỏi chương trình từ 11 dự án của năm 2016 xuống còn 3 vào năm 2017 và chỉ còn 1 vào năm 2018. Bên cạnh đó, theo chương trình 2018, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số lượng bổ sung lại đột biến, trên dưới 10 dự án. 

Xây dựng luật, pháp lệnh vẫn tồn tại việc “xin lùi xin rút” - Hình 1

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ trưởng cho biết, khi lập đề nghị để đưa dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa trù liệu hết được, như Luật Quy hoạch khi xây dựng kéo theo sửa đổi một loạt các luật khác. 

Bên cạnh đó, số lượng các dự án luật, pháp lệnh hình thành trong thời gian qua rất lớn. Quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 chặt chẽ hơn, đòi hỏi đánh giá tác động kỹ càng hơn.

Để khắc phục tình trạng này, người đứng đầu ngành tư pháp cho biết cần chủ động sớm rà soát các nguồn đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ưu tiên tính khả thi; nâng cao hiệu quả công tác thẩm định; đôn đốc các bộ ngành.

Chất vấn Bộ trưởng Lê Thành Long, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, có nhiều dự án luật quá chậm so với yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số dự án luật từ khi trình cho tới khi họp chỉ hai ngày và là hai ngày cuối tuần. Tình trạng này khiến cơ quan thẩm tra gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, chất lượng nhiều dự án Luật có vấn đề, nhiều báo cáo không ký, không đóng dấu, đánh giá tác động chỉ có nửa trang không có số liệu chứng minh. Thời gian và sự tham gia cho ý kiến của một số bộ ngành còn hình thức; chưa lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách.

Bà Lê Thị Nga đề nghị cần có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này và đặt câu hỏi tình trạng như vậy có xử lý cá nhân, tổ chức, chuyên viên, lãnh đạo nào không?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và công khai các đơn vị chậm trễ. “Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rất rõ các bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp xây dựng văn bản, dự thảo và chịu trách nhiệm về việc trình không đúng thời hạn, tiến độ, chất lượng”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh. 

Bộ trưởng cũng khẳng định, về nhiệm vụ chính trị thì bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật cũng là một trong những căn cứ yếu tố để đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. 

PV