Cụ thể, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 265km, điểm đầu là huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và điểm cuối là phường Duyên Hải (tỉnh Lào Cai), đi qua 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Cao tốc Hà Nội- Lào Cai được đưa vào khai thác năm 2014, trên tuyến có 17 nút giao, trong đó địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 5 nút giao, hiện nay các nút giao IC.3, IC.4, IC.6 đang được địa phương khai thác.
Trước đây, do nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 giao Bộ Giao thông Vận tải hạn chế, chủ yếu tập trung bố trí hoàn thành các công trình trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn tham gia dự án PPP (đối tác công - tư), thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, chưa thể cân đối đầu tư nút giao IC.2, IC.5 trong giai đoạn 2021-2025.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc nghiên cứu, bố trí vốn ngân sách địa phương để đầu tư nút giao IC.2 và IC.5.
Việc đầu tư nút giao IC.2, IC.5 sẽ ảnh hưởng đến phương án quản lý, vận hành khai thác và thu phí tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nên Bộ Giao thông Vận tải cũng lưu ý UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục thỏa thuận, thống nhất với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các cơ quan liên quan về chủ trương đầu tư, phương án thiết kế, phương án quản lý, vận hành khai thác, thu phí tại các nút giao IC.2, IC.5 bảo đảm an toàn khai thác, phù hợp, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật.
Đức Nam