Theo SAP Enterprise, Logistics xanh hay còn gọi là logistics bền vững bao gồm bất cứ hoạt động kinh tế nào nhằm giảm thiểu tác động lên môi trường từ việc giao nhận và vận hành của mạng lưới logistics. Tại Việt Nam, liên quan tới khái niệm này, Báo cáo Logistics Việt Nam 2022/ Bộ Công Thương đưa ra định nghĩa giải thích Logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Như vậy có thể hình dung mục tiêu Logistics xanh hướng tới là áp dụng các phương pháp và công nghệ thân thiện với môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cung cấp, vận chuyển và lưu trữ hàng hóa, góp phần đạt tới sự bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội – môi trường.
Theo Bộ Tài Chính, dịch vụ Logistics hiện có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP cả nước, khẳng định vị thế cao của Việt Nam trong thị trường xuất nhập khẩu quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này mang đến hệ luỵ cho môi trường khi hoạt động giao thông vận tải ở Việt Nam thải ra hơn 50 triệu tấn CO2 mỗi năm. Con số này dự kiến sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm, có thể đạt tới 90 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030. Chính vì thế, chính phủ Việt Nam đang ngày càng chú trọng nhiều hơn vào xu hướng Logistics xanh.
Cụ thể, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong ngành giao thông vận tải với mục tiêu tổng quát là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Song song tầm nhìn chiến lược quốc gia, không khó nhận ra Logistics xanh dần dần không chỉ còn là một xu hướng mà sẽ trở thành cam kết bắt buộc trong tương lai khi mà người tiêu dùng dần quan tâm hơn tới các sản phẩm thân thiện với môi trường hay sẵn sàng chi tiêu với nhận thức thói quen tiêu dùng của họ không gây hại tới môi trường sống xung quanh.
Do vậy ngay từ khi Logistics xanh còn là một xu thế, việc ý thức và nghiên cứu ứng dụng vào hoạt động của doanh nghiệp vừa giúp nâng cao khả năng cạnh tranh - gia tăng độ nhận diện thương hiệu với thị trường bên ngoài, vừa mang lại sự phát triển toàn diện và bền vững từ bên trong. Ngược lại, khi Logistics xanh trở thành điều kiện bắt buộc, các doanh nghiệp không tham gia sẽ có nguy cơ bị người tiêu dùng quay lưng và có thể dần dần bị loại khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu cả trong nước lẫn toàn cầu.
Dưới đây là một vài cái tên đáng chú ý dẫn đầu trong triển khai các hành động thực tiễn trên thế giới.
Hãng tàu Evergreen, với cam kết giảm thiểu lượng khí thải carbonic, hãng đã phát triển công cụ đo lường lượng khí thải cho từng tuyến vận tải để báo cáo tới khách hàng có nhu cầu để từ đó mang lại giải pháp tối ưu cho đối tác.
Hãng tàu Maersk đang dần chuyển mình sang sử dụng nhiên liệu tái tạo và phát triển các công nghệ vận tải xanh nhằm giảm lượng khí thải từ vận tải đường biển.
Hãng tàu CMA CGM đã lên kế hoạch bổ sung 6 tàu chạy bằng nhiên liệu methanol kép, với công suất 15.000 TEU vào đội tàu CMA CGM vào cuối năm 2025.
Hay như hãng tàu HMM và MSC tập trung vào phát triển đội tàu sử dụng khí hoá lỏng từ nửa cuối năm 2022.
DHL, Công ty logistics toàn cầu này đã cam kết giảm lượng khí thải CO2 từ các hoạt động của mình và đang phát triển các giải pháp vận tải bền vững, bao gồm sử dụng xe điện và xe hybrid.
UPS đã đầu tư vào đội xe sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tối ưu hóa lộ trình để giảm lượng khí thải. Công ty cũng thực hiện các chương trình tái chế và quản lý chất thải.
FedEx đang phấn đấu đạt được mục tiêu carbon trung tính vào năm 2040, tiến hành đầu tư vào phương tiện điện và cải tiến quy trình vận tải để giảm phát thải.
Mặt khác, trở lại với thị trường Việt Nam, một phần đáng kể các doanh nghiệp tuy đã nhận thức được vấn đề nhưng quy mô áp dụng chưa phù hợp hoặc tài chính hạn chế để thực hiện các khoản đầu tư hợp lý vào nhân lực hoặc công nghệ, cân đối chi phí và giá thành sản phẩm trong bối cảnh còn e ngại người tiêu dùng chưa sẵn sàng thấu hiểu và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường ở mức giá nhỉnh hơn mặt bằng chung. Chính vì thế, việc nghiên cứu kinh nghiệm chiến lược từ các doanh nghiệp quốc tế nêu trên và cải tiến để phù hợp với quy mô doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu được lên lộ trình mà theo đó nhiều giải pháp được đề xuất.
Đầu tiên là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số vào trong vận hành để sử dụng nhân lực có hiệu quả, tạo môi trường làm việc hiện đại để khuyến khích nhân viên có các sáng kiến nâng cao chất lượng sản xuất. Khơi nguồn động lực tự hào cho nhân viên khi được làm việc trong doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.
Tiếp theo là chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng có thể tái tạo – đẩy mạnh xây dựng hệ thống lọc khí thải tự nhiên như trồng thêm nhiều cây xanh, trồng rừng, đưa các phương tiện thân thiện với môi trường vào sử dụng trong vận chuyển nội bộ như xe điện.
Song song đó cần đẩy mạnh sử dụng các bao bì đóng gói làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học, tái chế các bao bì,vỏ nhựa…
Cuối cùng là tiếp cận hệ thống kho bãi thông minh để tạo không gian lưu trữ thông thoáng, gia tăng khả năng lưu trữ hàng hóa, hạn chế sử dụng điều hòa trong kho bãi, đẩy nhanh tốc độ xử lý tồn kho hay tận dụng đối đa sản lượng vận tải trong một lần để giảm thiểu số lượng các phương tiện vận chuyển góp phần giảm thiểu khí thải…
Thành công cho lộ trình này có thể kể đến Vinamilk- công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa Carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060, cho thấy sự tiên phong của Vinamilk hướng tới việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc đạt phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050 nêu trên.
Để đạt được điều đó, Vinamilk đã triển khai từ sớm các công cụ đo lường khí thải và xây dựng các giai đoạn mục tiêu giảm thải cụ thể từ 2027 đến 2050, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: chăn nuôi bền vững ( Green Farm), sản xuất xanh ( sử dụng năng lượng xanh Biomass, Biogas), logistics thân thiện và tiêu dùng bền vững.
Bước sang năm 2024, chủ đề “Logistics xanh – Nền tảng phát triển bền vững” đã được đưa vào trong khuôn khổ hoạt động của VILOG - Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024. Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp cùng trao đổi các giải pháp “xanh hoá” logistics qua năm lĩnh vực chính: Vận tải & Chuyển phát; Công nghệ Kho thông minh; Chuỗi lạnh; Công nghệ thông tin; Hàng không và các nhóm ngành liên quan.
Điển hình là tập đoàn ITL đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Logistics xanh và tối ưu chi phí thông qua việc tích hợp phương thức vận chuyển bằng xe tải và sà lan” với mục tiêu phân tích các lợi ích và nâng cao tính hiệu quả khi tích hợp các phương thức vận tải khác nhau. Bằng các hành động thực tiễn, các doanh nghiệp Việt Nam đang dần đẩy mạnh thực hiện xanh hóa hoạt động Logistics như một lời giải cho bài toán phát triển lâu dài trong tương lai.
Có thể kết luận rằng, Logistics xanh là xu thế tất yếu, mở ra viễn cảnh củng cố sự phát triển nội tại bền chắc không chỉ cho phía doanh nghiệp mà còn ở tầm nhìn vĩ mô quốc gia, kết hợp với các chiến lược, lộ trình và hành động thực tế từ cá nhân, tổ chức doanh nghiệp và toàn cầu, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào tương lai không xa tại thời điểm mà kinh tế, xã hội Việt Nam và môi trường sống có thể giao thoa cùng phát triển bền vững.
Ngọc Giang