Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 153. Cụ thể, khoản 2 Điều 153 quy định "Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác".

VCCI đánh giá đây là một khái niệm rất quan trọng để xác định giá đất. Tuy nhiên, trong quy định này lại có nhiều cụm từ chưa thực sự đủ rõ ràng, như "cùng mục đích sử dụng", "tại một khu vực" và "trong khoảng thời gian nhất định", "xuất hiện với tần suất nhiều nhất".

Việc yêu cầu người thực hiện định giá phải chứng minh số liệu thống kê sử dụng vào cơ sở dữ liệu phải "không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác" là khá khó khăn, vì đây là yếu tố mang tính định tính, rất khó xác định vì hạn chế về thông tin nội bộ, không thể hiện trong số liệu thống kê có thể ghi nhận được…

Góp ý với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ TN-MT, VCCI cho rằng khái niệm "khu vực" trong dự thảo quy định trên cũng chưa đủ rõ. Phạm vi của khái niệm này rất rộng, như cùng trên một tuyến đường kể cả cùng vị trí nhưng chỉ cách nhau một ngã ba, một cây cầu qua con mương, song giá đất đã rất khác nhau.

"Trong thực tế, các khu vực trung tâm hành chính cấp huyện, làng nghề chỉ có một vài vị trí đất có khả năng sinh lời (có thể vừa để ở vừa kinh doanh) còn lại chỉ phù hợp để ở. Do đó, quy định giá theo "khu vực" là chưa phản ánh được đặc tính về vị trí của đất đai"- VCCI nhấn mạnh.

Phương Thảo