Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, LNG là loại khí thiên nhiên có độ tin cậy cao, an toàn cho con người và môi trường; đây được coi là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất, có hiệu quả kinh tế cao nhất. Với các tài liệu đã được công bố trước đó từ một số cơ quan quản lý năng lượng uy tín thì trữ lượng LNG trên thế giới còn dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâu dài của nhân loại.

Một số ứng dụng phổ biến nhất của LNG trong đời sống, sản xuất là làm nhiên liệu: Thay thế cho than đá trong buồng đốt tại nhiều nhà máy nhiệt điện; hệ thống sưởi ấm, hệ thống sấy khô trong các khu dân cư và xưởng sản xuất thực phẩm; thay thế cho xăng, dầu diesel; trong các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, sản xuất gạch, gốm sứ…

TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, việc giảm phát thải phải bắt nguồn từ bản thân mỗi người. Trong đó, có môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính cũng là một khía cạnh của phát triển.

“Thị trường carbon tuân thủ quốc gia, mặc dù đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2005; tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa triển khai thị trường carbon tuân thủ trên thực tế. Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thí điểm thị trường carbon tuân thủ quốc gia BTS từ năm 2025, tiến tới triển khai chính thức carbon tuân thủ quốc gia ETS từ năm 2028.”, TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Theo TS. Nguyễn Hữu Lương, chuyên gia cao cấp - Viện Dầu khí Việt Nam, chuỗi giá trị của LNG từ công đoạn sản xuất ban đầu cho đến khi sử dụng, chuỗi giá trị của LNG chủ yếu bao gồm: LNG thực chất là khí thiên nhiên, công đoạn đầu tiên trong chuỗi giá trị LNG - là quá trình khai thác khí thiên nhiên hiện nay như Petro Việt Nam, hoặc những công ty dầu khí khác đang khai thác nguồn khí thiên nhiên ở ngoài khơi hoặc trong bờ.

Hiện nay, thị trường sử dụng chủ yếu của khí thiên nhiên sẽ là những nhà máy sản xuất điện, nhà máy sản xuất điện khí, nhà máy sản xuất điện LNG. Cạnh đó, LNG cũng sẽ được sử dụng trong công nghiệp và dịch vụ...

Nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ giao động từ 55 - 60%. Nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: Sản xuất điện; công nghiệp; sản xuất phân bón và hóa dầu.

Trong bối cảnh về chuyển dịch năng lượng, có 4 xu hướng phát triển của LNG: Thứ nhất là LNG quy mô nhỏ; thứ hai là LNG trung hòa carbon; thứ ba là đồng đốt trong nhà máy điện; thứ tư là Hydrogen...

TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, còn nhiều khó khăn, thách thức và các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG theo Quy hoạch Điện 8. Trong đó, nổi bật là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khi điện LNG và tiêu thụ điện LNG; hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của PVN/EVN còn thiếu khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho tất cả các loại hình dự án; cách tiếp cận và xử lý của cơ quan quản lý các cấp như hiện tại, sẽ làm giảm hiệu quả và nhiệt huyết của các nhà đầu tư và đối tác trong chuỗi dự án.

Ông Nguyễn Quốc Thập đề xuất:

“Cần thiết có một nghị quyết chuyên đề của quy hoạch để đảm bảo mục tiêu Quy hoạch năng lượng và Quy hoạch Điện 8; có cơ hội để xây dựng cơ chế chính sách điện khí LNG nói riêng và năng lượng nói chung; có cơ hội để xây dựng mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả và tối ưu điện khi LNG.

Chúng ta lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghiệp, tài chính và kinh nghiệm triển khai; hợp tác quốc tế là một trong các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch Điện 8 và quy hoạch năng lượng quốc gia”.

Thực trạng này, đặt ra vấn đề cần có các nhóm giải pháp đồng bộ, từ thay đổi nhận thức và tư duy tới mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch điện.

Trúc Mai