Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD tăng 0,19%, đạt mốc 100,91 trong khi đồng EUR giảm so với đồng bạc xanh do các báo cáo hoạt động kinh doanh của nền kinh tế khu vực đồng EUR gây thất vọng trên thị trường, kéo dài sự sụt giảm trong thời gian ngắn. Mặt khác, hoạt động kinh doanh của Mỹ ổn định trong tháng 9, nhưng giá trung bình hàng hóa và dịch vụ lại tăng với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng, có thể dẫn đến lạm phát gia tăng trong những tháng tới.

Sang ngày 25/9, đồng bạc xanh giảm 0,50%, xuống mốc 100,35 sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ giảm mạnh. Trong khi đó, thị trường đang loại trừ khả năng 100% cho việc Fed tiến hành cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách ngày 6 và 7/11 và đặt cược 59% cho việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp đó. Một yếu tố khác ảnh hưởng tới đà tăng của đồng USD đó là lãi suất chuẩn 10 năm của Mỹ đã giảm từ mức cao nhất của tháng 9, hiện đang giao dịch ở mức 3,75%.

Đến ngày 26/9, chỉ số DXY lại tăng 0,45%, đạt mốc 100,92. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn giữ nguyên nhận định rằng Fed sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất lớn khác tại cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 11 do những lo ngại về thị trường lao động.

Tới ngày 27/9, đồng USD giảm 0,35%, xuống mốc 100,57 khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ giảm 4.000 xuống mức thấp nhất trong bốn tháng là 218.000, thấp hơn mức dự báo của các nhà kinh tế là 225.000. Các báo cáo khác cho thấy lợi nhuận của công ty tăng mạnh hơn dự kiến ban đầu trong quý II, trong khi tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng ở mức 3% chưa điều chỉnh. Mặt khác, một thước đo về các đơn đặt hàng mới do Mỹ sản xuất bất ngờ tăng vào tháng 8, mặc dù chi tiêu của doanh nghiệp cho thiết bị dường như đã giảm trong quý III.

Đồng bạc xanh chốt tuần giao dịch bằng việc giảm 0,10%, xuống mốc 100,42 sau khi số liệu về lạm phát ở Mỹ báo hiệu áp lực giá tiếp tục giảm. Theo đó, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 8, phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters, sau khi tăng 0,2% trong tháng 7. Trong 12 tháng tính đến tháng 8, chỉ số giá PCE đã tăng 2,2% sau khi tăng 2,5% trong tháng 7. Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,2% trong tháng trước sau mức tăng 0,5% trong tháng 7. Dữ liệu thấp hơn một chút so với ước tính 0,3% nhưng cho thấy nền kinh tế vẫn duy trì được động lực nhất định trong quý III.

Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 29/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm tuần 30 đồng, hiện ở mức 24.118 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.273 đồng.

Tỷ giá EUR tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 25.601 đồng – 28.296 đồng.

Tỷ giá yên Nhật tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 158 đồng – 174 đồng.

Việt Anh (t/h)