Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồng USD sụt giảm so với các loại tiền tệ chính vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 được công bố, cho thấy lạm phát tiếp tục có xu hướng hạ nhiệt trong quý II, làm tăng hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thực hiện cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9.

Bên cạnh đó, số liệu doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ không thay đổi trong tháng trước, do giá xăng tăng cao hơn buộc người tiêu dùng giảm chi tiêu đối với các mặt hàng khác.

Theo dữ liệu của LSEG, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai cho rằng, xác suất cắt giảm lãi suất tăng cao hơn, với 24 điểm cơ bản cắt giảm tại cuộc họp diễn ra vào tháng 9, và gần 51 điểm cơ bản cắt giảm tại cuộc họp tháng 12 của Fed.

Chỉ số DXY đã chạm mức thấp mới trong một tháng là 104,30.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,3% trong tháng trước, sau khi tăng 0,4% trong tháng 3 và tháng 2. Trong 12 tháng tính đến tháng 4, CPI đã tăng 3,4% sau khi tăng 3,5% trong tháng 3.

Trong một cuộc thăm dò của Reuters, các nhà kinh tế đã dự báo CPI tăng 0,4% trong tháng 4, và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, Cục Điều tra Dân số của Bộ Thương mại công bố dữ liệu không thay đổi về doanh số bán lẻ trong tháng trước, sau mức tăng 0,6% trong tháng 3.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra đánh giá tích cực vào ngày 14/5 về vị thế của nền kinh tế Mỹ, với triển vọng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và lạm phát giảm.

Trong khi đó, đồng USD suy giảm mạnh so với đồng yên, với mức giảm 0,96%, xuống mốc 154,94.

Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giữ nguyên, hiện ở mức 24.269 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.450 đồng.

 Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 24.939 đồng – 27.564 đồng.

Việt Anh (t/h)