Thị trường tài chính thế giới tuần trước dồn sự chú ý vào cuộc họp chính sách tháng 03 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Và tương đồng với kỳ vọng trước đó, Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 03 năm qua. Biểu đồ khảo sát của Fed cũng cho thấy có ít nhất thêm 6 lần tăng lãi suất trong năm nay.
Sau thông tin trên, cặp tỷ giá VND/USD vẫn giao dịch tương đối ổn định. Trong đó, trên thị trường liên ngân hàng, giá USD giao dịch ổn định quanh mức 22.870 VND. Trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại giảm 10 VND, kết tuần ở mức 22.690/23.000 VND (mua – bán). Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm nhiệt, giao dịch ở 23.440/23.520 VND.
Đánh giá diễn biến này, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research) cho rằng, mức độ ảnh hưởng của sự kiện Fed tăng lãi suất tới Việt Nam là không lớn.
Cụ thể, về mặt tỷ giá, các nhà phân tích cho rằng, lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước.
Mặt khác, các yếu tố liên quan đến tỷ giá trong nước đều đang thuận lợi như quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao kỷ lục là tấm nệm an toàn khá vững chắc cho nền kinh tế; cán cân thanh toán thặng dư; nguồn kiều hối ổn định, ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 03 năm ở mức 4,4%/năm. Đặc biệt, giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng mạnh, việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước những năm gần đây tương đối linh hoạt, nhịp nhàng, ngày càng sát hơn với thị trường.
Thêm vào đó, các chuyên gia của MSB Research đưa ra đánh giá khả năng dịch chuyển vốn khỏi Việt Nam không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn.
Kết quả hoạt động kinh tế năm qua cũng như những dự báo lạc quan về sự phục hồi kinh tế trong năm 2022 là một yếu tố quan trọng. “Thực tế, dòng vốn ngoại vẫn duy trì ở mức ổn định trong 02 tháng đầu năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện tại Việt Nam 02 tháng ước tính đạt 2,68 tỷ USD, tăng khoảng 7,2% so với cùng kỳ năm trước”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Còn TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, Việt Nam chưa chịu tác động nhiều do mức tăng lãi suất của Fed không lớn (0,25 điểm phần trăm) và đã được tiên lượng trước.
Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý, từ quý 4/2022, việc Fed tăng lãi suất sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế Việt Nam trong các phương diện: (i) mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; (ii) USD lên giá sẽ tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND; (iii) chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng; (iv) dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng.
"Có thể nói, tác động trong ngắn hạn đối với thị trường tài chính toàn cầu là tương đối tích cực, được chủ động, được đón trước. Tương tự, tác động với Việt Nam cũng chưa nhiều. Tuy nhiên chúng ta phải theo dõi suốt hai năm tiếp theo, thị trường còn nhiều xáo trộn, nên tôi dùng thuật ngữ rằng tác động chưa nhiều nhưng không chủ quan”, ông Lực nói.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 và để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc ngân hàng trung ương các nước, nhất là Fed, có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, ông Lực đã đưa ra 3 kiến nghị.
Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu.
Đồng thời, theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, cần xây dựng kịch bản nếu Fed tăng nhanh lãi suất dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.
Thứ hai, cần xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục…) một cách phù hợp, nhịp nhàng, hiệu quả tránh giật cục, không phù hợp thời điểm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá (nhất là cao điểm) nhằm giảm thiểu tâm lý lạm phát và hiện tượng "té nước theo mưa"…
Thứ ba, theo dõi, đánh giá nghĩa vụ nợ nước ngoài khi Fed tăng lãi suất nhằm có những cảnh báo kịp thời đối với doanh nghiệp; tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vay nợ nước ngoài nhiều.
P.T