Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Truy xuất nguồn gốc là nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế 4.0. Việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng được xem là chìa khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay.
Đó là chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc - Ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt”. Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng Tháng Thanh niên năm 2022, Đại hội đoàn các cấp, hướng đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, do Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN), Đoàn thanh niên Bộ Công Thương tổ chức với sự đồng hành của Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia (NBC), Công ty cổ phần Truyền thông Tourzy, Công ty LinkStar, Công ty Cổ phần Cung ứng thực phẩm sạch – Freshdi. Chương trình được phát trực tuyến kết hợp Triển lãm nông nghiệp số: “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt” trên nền tảng TechFest247.com chiều ngày 22/03/2022.
Tham dự Hội thảo có ông Lê Xuân Định - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Văn Trường - Phó Bí thường trực Đảng ủy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN; doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm; đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc 3 Bộ và các đoàn thanh niên các Tỉnh, Thành Đoàn.
Chìa khóa giúp doanh nghiệp bứt phá
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong nền kinh tế 4.0, thông tin về sản phẩm hàng hoá từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ đều được theo dõi đến từng bước nhỏ. Nguồn thông tin này có thể được dùng vào rất nhiều việc trong đó có việc tối ưu hoá quá trình sản xuất, phân phối, dự báo, tuân thủ quy định xuất nhập khẩu… Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề triển khai Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động bởi đại dịch Covid-19. Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển. “Truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ về vai trò của truy xuất nguồn gốc trong nâng cao giá trị nông sản Việt xuất khẩu - câu chuyện quản lý, duy trì và giám sát mã số vùng trồng, ông Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PT NN cho biết: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý được những loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu theo yêu cầu nhập khẩu của các nước. Kiểm soát được việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu sẽ giúp nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam vào thị trường có giá trị cao để việc đàm phán mở cửa hàng nông sản vào các thị trường khác được thuận lợi. Qua đó, các cơ quan khác tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được thuận lợi.
Để đón đầu xu thế, Chính phủ đã ban hành đề án 100/QĐ-TTg 2019 về truy xuất nguồn gốc nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Theo đó, Bộ KH&CN giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Cổng thông tin truy xuất sản phẩm hàng hóa Quốc gia, đảm bảo kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc để số hóa chuỗi giá trị các sản phẩm hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản.
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản bằng các nền tảng số
Tại hội thảo, các chuyên gia của 3 Bộ và các đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về cách xây dựng, quản lý các hệ thống truy xuất nguồn gốc có khả năng liên thông với nhau, các ứng dụng để số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và xúc tiến thương mại với thị trường trong và ngoài nước.
Theo các đại biểu, thực tế hoạt động truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam còn nhiều khó khăn như dữ liệu truy xuất nguồn gốc bị phân tán do chưa được kết nối và chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị; thông tin truy xuất nguồn gốc không đáp ứng được “các nguyên tắc truy xuất nguồn gốc”, cụ thể: Không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng, không đủ phần tử dữ liệu chính, thông tin không chính xác; người dùng có thể phải cài đặt cùng lúc nhiều phần mềm do đơn vị cung cấp giải pháp chỉ cho phép dùng phần mềm nội bộ truy cập được thông tin…
Chia sẻ về hoạt động xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, Bến Tre cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất hiện nay của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trên 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ còn nhiều hạn chế, khó khăn do quy định của thị trường Mỹ nghiêm ngặt. Thị trường Mỹ kiểm soát chặt chẽ mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu với nhiều quy định và đạo luật khác nhau. Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch của Mỹ sẽ giám sát tất cả các loại trái cây nhập khẩu nhằm phát hiện các loài xâm lấn, côn trùng có nguy cơ cao đối với ngành nông nghiệp. Sản phẩm nhập khẩu phải có giấy phép kiểm dịch đạt yêu cầu xuất khẩu. Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ. Sau 02 năm, phải tiến hành đăng ký lại mới được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới. Hơn nữa, doanh nghiệp phải chịu chi phí tuân thủ và chi phí logistic tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo bà Vy, về truy xuất nguồn gốc, thực hiện mã số vùng trồng, hiện một số địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng; cán bộ kỹ thuật ở một vài địa phương còn chưa đủ năng lực kiểm tra đồng đều; chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…
Đối với sản phẩm sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất đứng thứ hai (sau Mỹ) của Việt Nam cũng có nhiều khó khăn. Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng của Thái Lan, Maylaysia. Sầu riêng muốn xuất khẩu chính ngạch được sang thị trường Trung Quốc phải được cấp mã số vùng trồng và nhà đóng gói, tuân thủ giống như xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, việc ứng dụng công nghệ số trong lưu thông hàng hoá là một bước tiến cần có cho các sản phẩm nông sản tại Việt Nam, đó là Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số Decobiz. Hệ sinh thái này là kết cấu hạ tầng mềm trong thương mại do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như Hội chợ, triển lãm số, kết nối giao thương thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại, tư vấn - huấn luyện trực tuyến… Đặc biệt, liên quan đến những tiêu chí trong hoạt động thương mại và xuất khẩu hàng hoá như truy xuất nguồn gốc cũng sẽ được tích hợp trong hệ sinh thái này.
Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN thông tin, với mục tiêu kết nối - chia sẻ và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia đang được Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia triển khai xây dựng, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2022.
Ngoài việc xây dựng các tiêu chuẩn, các hành lang pháp lý như thông tin, nghị định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau, Cổng thông tin này đảm bảo vai trò kết nối hai chiều giữa các bộ đối với các sản phẩm nông sản, thuốc chữa bệnh, những sản phẩm Chính phủ yêu cầu ưu tiên truy xuất nguồn gốc. Ngoài kết nối với các bộ, ngành, cổng thông tin này còn kết nối với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, các đơn vị giải pháp, cũng như các hệ thống, ứng dụng của Bộ KH&CN...
Cũng theo ông Chính, truy xuất nguồn gốc những năm gần đây đã từng bước góp phần chuyển đổi số trên thực tế doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tạo cơ sở dữ liệu được cập nhật và bổ sung theo thời gian thực giúp thống kê báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và thực thi chiến lực, chính sách, kế hoạch. Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác của Đoàn Thanh niên 03 Bộ: KH&CN, NN&PTNN, Bộ Công Thương. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá cao sáng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác của Đoàn thanh niên 3 Bộ đã cùng nhau nỗ lực “đưa nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số vào cuộc sống” ở những lĩnh vực rất cụ thể. Đồng thời mong muốn Đoàn Thanh niên 3 Bộ tiếp tục phát huy vai trò của tuổi trẻ, trở thành động lực quan trọng đóng góp cho công tác chuyển đổi số của đơn vị. Đẩy mạnh phong trào tuổi trẻ sáng tạo, phát huy tiềm năng và thế mạnh của đoàn viên, thanh niên trong việc nắm bắt, làm chủ khoa học công nghệ. Đồng thời, nghiên cứu, đưa ra những giải pháp giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc trở thành một công cụ hiệu quả, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, góp phần gia tăng giá trị của nông sản, thuận lợi hóa hoạt động xuất khẩu.
Nguyễn Hạnh
Tin mới
Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT Chín tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Tổng Cục QLTT và lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Đắk Nông về công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực TMĐT. Các Đội QLTT thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, đấu tranh với các cá nhân, tổ chức lợi dụng nền tảng điện tử để quảng bá, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.
Tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử"
Chiều 23/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử" nhằm thảo luận về những giải pháp nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.
Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp sạt trượt đồi Lung Đạc tại Bá Thước
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định Công bố tình huống khẩn cấp sạt trượt đồi Lung Đạc tại thôn Khung, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước.
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 24/9
Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 24/9 về các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Thanh Hóa ban hành Công điện về việc tập trung ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công điện về việc tập trung ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt.
Thanh Hóa phát động triển khai tháng cao điểm về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật
Sáng 23/9, tại huyện Lang Chánh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức Lễ phát động triển khai tháng cao điểm về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đợt 1 trong ngành giáo dục năm học 2024-2025.
Câu chuyện thương hiệu
Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 8 đạt 1.172 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững