Hiệu quả không rõ ràng

Cuộc chiến kinh tế của phương Tây đối với Moscow sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine chỉ ghi nhận những kết quả hạn chế trong ngắn hạn.

Nga đang tìm những khách hàng tiềm năng mới thay thế cho thị trường châu Âu. Ảnh: CFR
Nga đã tìm được những khách hàng tiềm năng mới thay thế cho thị trường Châu Âu. Ảnh CFR.

Ngày 26-27/9 vừa qua, Trường Fletcher tại Đại học Tufts (Massachusetts, Mỹ) đã tổ chức một hội thảo với chủ đề "Hậu quả toàn cầu của cuộc chiến kinh tế Nga-phương Tây". Sự kiện thu hút sự tham gia của 20 chuyên gia, học giả cùng thảo luận về tác động của các lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga do khoảng 50 quốc gia áp đặt sau xung đột ở Ukraine.

Hội thảo do các giáo sư Christopher Miller và Daniel Drezner của Đại học Tufts tổ chức đã không đưa ra được câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi chính: Các lệnh trừng phạt có hiệu quả không - và câu hỏi liên quan là chúng nên được chấm dứt, tiếp tục hay tăng cường?

Các nhà lãnh đạo phương Tây mơ hồ khi xác định mục tiêu của các lệnh trừng phạt, vốn đã thay đổi theo thời gian. Ban đầu, mục tiêu là ngăn chặn Nga phát động chiến dịch quân sự. Nhưng điều này đã không hiệu quả.

Mục tiêu trừng phạt tiếp theo nhằm làm sụp đổ nền kinh tế Nga, buộc ngân hàng phải rút tiền ồ ạt và mất kiểm soát đồng Ruble, hy vọng sẽ khiến giới tinh hoa Nga nước này phản đối chính phủ. Trong một hoặc hai tuần đầu, mục tiêu này có vẻ hiệu quả. Nhưng Ngân hàng Trung ương Nga đã kịp thời áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn dòng vốn chảy ra và chấm dứt khả năng chuyển đổi của đồng Ruble. Nền kinh tế Nga vẫn đứng vững.

Sau đó, trừng phạt chuyển mục tiêu sang làm tiêu hao tài chính, tăng chi phí của Moscow với hy vọng, điều này sẽ khiến Điện Kremlin sẵn sàng hơn để ngồi vào bàn đàm phán và chấm dứt chiến dịch. Bằng cách hạ thấp các mục tiêu đã tuyên bố, các nhà lãnh đạo phương Tây có thể tiếp tục khẳng định rằng, các lệnh trừng phạt đang có hiệu quả.

Chỉ có một số ít quốc gia bên ngoài phương Tây tham gia vào các lệnh trừng phạt Nga. (Nguồn: Shutterstock)
Chỉ có một số ít quốc gia bên ngoài phương Tây tham gia vào các lệnh trừng phạt Nga. Nguồn Shutterstock.

Tuy nhiên, ông Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho biết: "Mục tiêu là gây sốc cho hệ thống, tạo ra sự hỗn loạn và buộc các nhà hoạch định chính sách của Moscow phải chuyển hướng sự chú ý sang các diễn biến bên trong nước Nga. Nhưng chúng tôi đã đánh giá thấp kỹ năng của các nhà quản lý tài chính Nga và mức độ họ đã chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014”.

Trong khi đó, ông Maximilian Hess, tác giả của cuốn sách Chiến tranh kinh tế: Ukraine và xung đột toàn cầu giữa Nga và phương Tây, lập luận rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuẩn bị sẵn sàng cho Nga để bước vào cuộc chiến kinh tế với phương Tây kể từ khi thông qua Đạo luật Magnitsky năm 2012, trừng phạt những cá nhân liên quan đến cái chết của chủ ngân hàng Nga Sergei Magnitsky.

Theo truyền thống, các lệnh trừng phạt chỉ có hiệu quả trong khoảng một phần ba các trường hợp. Thành công chỉ đến nếu chúng là đa phương, liên quan đến phần lớn các bên kinh tế chủ chốt.

Trong trường hợp trừng phạt Nga, đã có sự đoàn kết bất ngờ giữa Châu Âu và Mỹ, điều này đã có lúc khiến xứ sở bạch dương “lao đao” do phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí sang Châu Âu.

Tuy nhiên, chỉ có một số ít quốc gia bên ngoài phương Tây tham gia vào các lệnh trừng phạt, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia. Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác đã tăng cường thương mại với Nga, tăng mua dầu của nước này.

Mặc dù được cho là kém hiệu quả, các biện pháp trừng phạt vẫn là một công cụ phổ biến. Bởi dù sao thì chúng cũng tốt hơn việc không làm gì cả hoặc đi đến xung đột, thậm chí chiến tranh. Chúng có thể quan trọng hơn như một cách thể hiện cam kết chính trị giữa các đồng minh, thay vì tác động kinh tế.

Cần nhìn vào thực tế

Một nhà máy hóa chất của BASF ở Ludwigshafen, Đức. Ảnh: AP
Kinh tế Đức đã suy thoái vì trừng phạt kinh tế Nga, "tẩy chay" khí đốt Nga. Ảnh AP.

Ông Peter Harrell, cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, lưu ý: "Có thể coi các biện pháp trừng phạt như một ‘ngành công nghiệp’, và ngành này thực chất liên tục tăng trưởng trong 20 năm qua", bắt đầu với việc Tổng thống Mỹ Bill Clinton sử dụng các biện pháp trừng phạt để nhắm vào các băng đảng ma túy và sau đó mở rộng hơn, như một phần của cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện ngày 11/9/2001.

Mỹ đã được khích lệ bởi thành công của các lệnh trừng phạt đối với Iran, buộc nước này phải đàm phán Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015 để hạn chế chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga lớn hơn nhiều, đa dạng hơn và hội nhập toàn cầu hơn so với Iran. Vì vậy, tác động của các lệnh trừng phạt Moscow khiêm tốn hơn.

Ông Harrell kết luận, "cần phải thực tế về những gì các lệnh trừng phạt có thể đạt được và không mong đợi rằng chúng là một viên đạn thần kỳ".

Mặc dù các lệnh trừng phạt được triển khai rộng rãi, nhưng chúng chủ yếu tập trung mạnh vào lĩnh vực tài chính nhằm loại Nga khỏi mạng lưới giao dịch tài chính toàn cầu SWIFT, cấm các giao dịch với hầu hết các ngân hàng Nga. Điều thú vị là cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Fishman tiết lộ, quyết định đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga chỉ được đưa ra sau xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, phương Tây lo ngại, việc gián đoạn đột ngột xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ khiến lạm phát tăng đột biến, vì vậy, dầu và khí đốt của xứ bạch dương vẫn tiếp tục chảy vào Châu Âu cho đến năm 2022. Và các ngân hàng xử lý thanh toán cho xuất khẩu dầu và khí đốt được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt.

Mỹ kiểm soát các nút quan trọng trong lĩnh vực tài chính và USD vẫn là đồng tiền chính cho thương mại và đầu tư quốc tế. Nhưng nhà nghiên cứu Elina Rybakova của Viện Peterson chỉ ra, Washington không có đòn bẩy quan trọng như vậy đối với thị trường năng lượng và vẫn đang vật lộn để đưa ra các cách nhằm giám sát, quản lý việc xuất khẩu các công nghệ quan trọng.

Lúa mạch được chất lên tàu tại cảng Rostov-on-Don, Nga - Ảnh: Bloomberg
Lúa mạch được chất lên tàu tại cảng Rostov-on-Don, Nga. Ảnh Bloomberg.

Trong khi đó, chuyên gia Craig Kennedy của Đại học Harvard ám chỉ đến thực tế, các lệnh trừng phạt có thể là một trò chơi với tổng âm, gây hại cho quốc gia áp đặt chúng. Điều này chắc chắn đúng đối với Đức, nơi bị ảnh hưởng bởi mức tăng 400% giá khí đốt tự nhiên vào năm 2022.

Người tổ chức Hội thảo, Giáo sư Daniel Drezner, chỉ ra, đã có một số hậu quả không mong muốn và chưa được giải quyết, chẳng hạn như sự gia tăng của một "đội tàu ngầm" gồm các tàu chở dầu không có bảo hiểm vận chuyển dầu của Nga đến Ấn Độ và Trung Quốc, và sự mở rộng của một mạng lưới giao dịch tài chính ngầm tạo điều kiện cho Moscow né các lệnh trừng phạt.

Bằng cách khiến người Nga khó xuất khẩu vốn hơn, các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy đầu tư vào chính nền kinh tế xứ bạch dương và gắn kết chặt chẽ hơn nữa giới tinh hoa nước này với Điện Kremlin.

Các nhà phân tích đồng ý với nhận định, các lệnh trừng phạt, dù có hiệu quả hạn chế, vẫn đang gây ra không ít thách thức đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của Nga, đặc biệt là về khả năng tiếp cận đầu tư và công nghệ để phát triển các mỏ dầu mới.

Ông Sergei Vakulenko, một thành viên tại Trung tâm Âu Á Nga của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, lập luận, Nga "chỉ đối mặt với sự suy giảm nhẹ về sản lượng dầu chứ không phải sự sụt giảm đột ngột". Có vẻ như đó là cái giá mà Tổng thống Putin đã lường trước và sẵn sàng trả để tiếp tục mục tiêu của mình.

Thật khó để nói cuộc xung đột Nga-phương Tây sẽ kết thúc như thế nào hoặc trạng thái kết thúc sẽ ra sao. Liệu một nước Nga trong tương lai có tái gia nhập phương Tây vào một thời điểm nào đó không? Hay Nga sẽ trở thành một nhà cung cấp tài nguyên cho một số nước khác hiện không liên kết với phương Tây, hoặc Moscow sẵn sàng "đa hướng" trên bối cảnh địa chính trị?

Theo Responsible Statecraft