Cụ thể, ở Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức quán triệt việc thi hành luật; tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật thông qua các chuyên mục, chương trình, tập huấn, biên soạn tài liệu và các hình thức khác theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ở địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).
Các Bộ, ngành liên quan cũng tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản; tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.
Đồng thời, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định quy định về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy sản; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Quyết định quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực...
PV