Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát và đặt ra lộ trình xử lý triệt để ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh:

Trước ngày 30/10/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân di dời đến khu vực được phép hoạt động, chuyển đổi ngành nghề tại phường Phong Khê, CCN Phú Lâm, xã Văn Môn; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Đoàn kiểm tra thành phố Bắc Ninh lập biên bản cơ sở sản xuất giấy vi phạm ở phường Phong Khê.
Đoàn kiểm tra thành phố Bắc Ninh lập biên bản cơ sở sản xuất giấy vi phạm ở phường Phong Khê.

Công an tỉnh chỉ đạo Công an thành phố Bắc Ninh, Công an các huyện: Yên Phong, Tiên Du xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự và ổn định tình hình; tăng cường kiểm soát việc hoạt động của các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các nguồn nguyên liệu, phế liệu đầu vào và các  hợp đồng xử lý xỉ thải đối với các cơ sở sản xuất tái chế tại xã Văn Môn; kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với UBND thành phố Bắc Ninh:

Tiếp tục duy trì các Đoàn kiểm tra theo lộ trình và lập chốt kiểm tra, giám sát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển phế liệu ra, vào làng nghề, CCN và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Từ nay đến ngày 31/12/2024, các cơ sở sản xuất trong làng nghề và ngoài CCN chỉ được phép hoạt động khi đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật. Tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất trên, nếu không đủ điều kiện hoạt động yêu cầu dừng hoạt động.

Từ nay đến ngày 31/12/2029, các cơ sở xuất trong CCN Phong Khê I và CCN Phong Khê II chỉ được phép hoạt động khi đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật. Tổng kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở trên, nếu không đủ điều kiện hoạt động thì yêu cầu dừng hoạt động.

Trong quý I/2025, thành phố Bắc Ninh đề xuất xong hình thức vận hành nhà máy xử lý nước thải Phong Khê; tiến hành rà soát cụ thể danh mục các công trình hạ tầng cần hỗ trợ tại phường Phong Khê, cân đối ngân sách thành phố và đề nghị hỗ trợ từ ngân sách tỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Đối với UBND huyện Tiên Du:

Trước ngày 31/12/2024, UBND huyện Tiên Du yêu cầu các cơ sở hoàn thành việc tháo dỡ xong hoặc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ với tất cả các cơ sở lấn, chiếm đất ngoài CCN Phú Lâm; Trong tháng 10/2024, đưa Nhà máy xử lý nước thải tập trung CCN Phú Lâm đi vào vận hành chính thức.

Trước 30/10/2024, kiểm tra xong tất cả các cơ sở tại CCN Phú Lâm và CCN Phú Lâm mở rộng về thủ tục môi trường, thực hiện đóng cửa ngay các cơ sở không đảm bảo quy định. Trước ngày 31/12/2029, dừng hoạt động CCN Phú Lâm, CCN Phú Lâm mở rộng và các cơ sở sản xuất tái chế giấy trong CCN.

Đối với UBND huyện Yên Phong:

Trước ngày 31/12/2024, UBND huyện Yên Phong thành lập Đoàn kiểm tra và lập chốt kiểm tra, giám sát (24/24h) các phương tiện vận chuyển phế liệu ra, vào làng nghề Mẫn Xá, CCN xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Dừng hoạt động các cơ sở, hộ gia đình tái chế nhôm trong làng nghề Mẫn Xá không có giải pháp xử lý khí đảm bảo đạt quy chuẩn Việt Nam và không có hợp đồng với đơn vị có năng lực về xử lý xỉ thải theo quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở đủ điều kiện được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025.

Trong năm 2025, thực hiện di dời các cơ sở, hộ gia đình tái chế nhôm trong làng nghề vào Cụm hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề khác. Dừng hoạt động CCN làng nghề Mẫn Xá và các cơ sở sản xuất trong Cụm do chưa đủ điều kiện hoạt động; xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

Trước ngày 30/10/2024, báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh việc lựa chọn 1 trong 3 phương án xử lý chất thải rắn tồn đọng: Nghiên cứu đơn giá xử lý: phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan tìm giải pháp xử lý; Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong, diện tích 3,8ha, để xử lý chất thải tồn đọng của làng nghề và chất thải phát sinh hàng ngày của làng nghề và CCN; Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu nhà ở xã Văn Môn, với diện tích khoảng 16,3 ha theo quy định.

Đối với 3 địa phương:

Ngày 15 hàng tháng, UBND thành phố Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du và UBND huyện Yên Phong báo cáo kết quả với UBND tỉnh (đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường:

Ngày 20 hàng tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh về kết quả thực hiện của 03 đơn vị: Thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong, trong đó nêu rõ những nội dung đã làm được, nội dung chưa làm được, nguyên nhân chưa làm được, phân tích kỹ các phương án xử lý...; đồng thời tham mưu các giải pháp quyết liệt hơn (nếu cần), với mục tiêu quyết tâm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại 03 khu vực trên.

Các cơ quan truyền thông phối hợp với UBND thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng dầy các bài phản ánh, phóng sự trên các khung giờ nóng, trang chính về: xử lý các cơ sở vi phạm, cá nhân vi phạm, hình thức vi phạm, việc niêm phong máy móc, cưỡng chế (nếu có)... hằng tuần, hằng tháng để nhân dân đồng tình ủng hộ, các cơ sở sản xuất thực hiện theo đúng chủ trương của tỉnh và các quy định của pháp luật; báo cáo kết quả công tác tuyên truyền với UBND tỉnh vào ngày 18 hàng tháng./.

Bá Đoàn