Theo Điều 4, Luật Hải quan năm 2014, Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.
Cơ chế một cửa ASEAN là một môi trường trong đó các Cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và tích hợp với nhau.
Ảnh minh họa
Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu: “Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”. Đồng thời, “Đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử”.
Về Cơ chế một cửa ASEAN, Chính phủ đặt mục tiêu: “Tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; Sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam tham gia”.
Mục tiêu nêu trên là rất to lớn và đầy thách thức nhưng sẽ hoàn thành nếu có sự đồng tâm, đồng lòng từ Chính phủ cho tới các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các bên có liên quan, đồng thời có quyết tâm, nỗ lực, phương pháp và giải pháp khoa học, hiệu quả trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian gần đây bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Một trong những nguyên nhân là một số bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện.
Có thể nói, mục tiêu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian tới là rất lớn. Để có thể hoàn thành thực mục tiêu này, từ thực tiễn triển khai Cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN. Điều đó được thể hiện ở những khía cạnh cụ thể sau:
Thứ nhất, các thủ tục hành chính chỉ đi vào cuộc sống khi được đông đảo người dân và doanh nghiệp tham gia và thực hiện. Một trong những trở ngại của doanh nghiệp khi thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia là chuyển đổi phương thức thực hiện thủ tục hành chính từ thủ công sang phương thức điện tử. Theo đó, khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp phải chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa trong việc chuẩn bị hồ sơ, sử dụng phương thức điện tử trong giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, sự tích cực, chủ động và chuẩn bị của doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ hai, các bộ, ngành sẽ là người xác định mục tiêu và lộ trình triển khai các thủ tục hành chính của Bộ, ngành mình trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Vì vậy, việc quyết định triển khai thủ tục nào trước, thủ tục nào sau sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như hoạt động thương mại nói trên, đồng thời ảnh hưởng đến mục tiêu tổng thể về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đến năm 2020.
Thứ ba, hiện nay, Cổng thông tin một cửa quốc gia đã được xây dựng và đưa vào vận hành, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cơ bản được đảm bảo. Như vậy, về mặt kỹ thuật, thông tin mà doanh nghiệp gửi đến Cổng thông tin một cửa quốc gia đã sẵn sàng tiếp nhận và gửi đến các Bộ, ngành có liên quan. Vì vậy, hiện nay, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia phụ thuộc vào việc các Bộ, ngành có quyết tâm thực hiện hay không, đặc biệt là việc chủ động tin học hóa quy trình, nghiệp vụ và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia phục vụ cho việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Thứ tư, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, để có thể triển khai đầy đủ, thành công Cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các bộ, ngành trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia.
Thứ năm, để có thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia một cách hiệu quả cũng đòi hỏi các bộ, ngành đổi mới phương pháp thực hiện, đặc biệt là phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Đồng thời, các bộ, ngành cũng cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Gia Linh