Đề xuất trên được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng gửi Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. Các tiêu chí để khôi phục hoạt động của xe buýt dựa trên tình hình kiểm soát covid-19 ở thành phố; mức độ quan trọng về tính kết nối, liên thông của từng tuyến xe...

Cụ thể, từ nay đến 1/11, trung tâm đề xuất khôi phục 16 tuyến xe buýt quan trọng, kết nối các đầu mối trung chuyển lớn như bến xe liên tỉnh, bến xe buýt, lộ trình đi qua các khu chế xuất, khu công nghiệp, chợ đầu mối... Số chuyến của mỗi tuyến hoạt động bằng 40% so với trước. 

Xe buýt hoạt động trở lại tại TP Hồ Chí Minh
Xe buýt hoạt động trở lại tại TP. Hồ Chí Minh

Giai đoạn tiếp theo, từ ngày 8/11 dự kiến có thêm 29 tuyến xe buýt khác hoạt động trở lại, số chuyến bằng 50% trước dịch. Đây là các tuyến hoạt động trên các trục đường hướng tâm, xuyên tâm, vành đai, lộ trình độc đạo không có phương án tuyến khác thay thế...

Từ ngày 15/11, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất khôi phục thêm 41 tuyến xe buýt có trợ giá còn lại. Dựa trên đánh giá tình hình đi lại của những tuyến xe đã được khôi phục ở các giai đoạn trước, trung tâm sẽ điều chỉnh tần suất, thời gian hoạt động theo nhu cầu của khách, dự kiến tăng lên từ 70 - 80% số chuyến so với trước dịch.

Với các tuyến xe buýt không trợ giá hoạt động ở thành phố, doanh nghiệp khai thác được yêu cầu rà soát, khi đảm bảo các điều kiện sẽ đăng ký thời gian và phương án khôi phục các tuyến. Riêng những tuyến buýt không trợ giá liên tỉnh, việc mở lại sẽ được phối hợp các địa phương để triển khai.

Trước đó từ ngày 5/10, bốn tuyến xe buýt số 77, 90, 127 và 128 được hoạt động trở lại ở huyện Cần Giờ, tần suất 60 - 90 chuyến mỗi ngày. Đây là tuyến buýt được thành phố thí điểm mở lại, với lộ trình hoạt động hoàn toàn thuộc vùng xanh, địa bàn dễ kiểm soát dịch.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. 

Cao Huyền