Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, tuần 44, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 661 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 44 là 10.641 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, TP. Thủ Đức và Quận 7.

Đáng chú ý, dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng liên tục trong 4 tuần gần đây từ 516 ca ở tuần 41 lên 661 ca ở tuần 44. Số ca nhập viện trong tuần qua (từ 28/10/2024 đến ngày 03/11/2024) cũng gia tăng với 414 ca, tăng 89 ca so với tuần trước, trong đó có 113 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,3%). Trung bình số ca nặng điều trị là 12 ca/ngày.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh)

Trong tuần 44, tại TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 450 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 8,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 44 là 14.729 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và Quận 8.

Tuần 44, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 141 ca sởi, tăng 18,0% so với trung bình 4 tuần trước (119,5 ca). Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 44 là 1.448 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP. Thủ Đức.

Để ngăn bệnh sốt xuất huyết gia tăng người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như:

Ngăn không cho muỗi đẻ trứng bằng cách: đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước.

Ngăn không cho muỗi chích bằng cách: Ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng "Y tế trực tuyến" để được xử lý.

Hoàng Bách (t/h)