Theo đó, dự án do Trung tâm Quản lý Đường thủy làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự tính khoảng 150 tỷ đồng được đề xuất từ nguồn ngân sách TP. Hồ Chí Minh.
Trong đó, chi phí xây dựng 90,2 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 26,2 tỷ đồng; chi phí dự phòng 24,4 tỷ đồng... Thời gian thực hiện dự án từ 2023-2025.
Hai địa điểm dự kiến xây kè đều đang có mức độ sạt lở nguy hiểm trên địa bàn. Trong đó, có khoảng 400 m ở bờ trái Rạch Giồng - sông Kinh Lộ, thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh). Khu vực này đang có 22 hộ sinh sống.
Vị trí còn lại bên sông Đồng Nai, sát trạm Cảnh sát đường thuỷ Cát Lái, thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Đoạn này dài khoảng 145 m, bờ sông đang bị xói lở, hàm ếch, xuất hiện nhiều vết nứt, ảnh hưởng trực tiếp đến trụ sở của trạm cảnh sát.
Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra ít nhất hai vụ sạt lở tại các bờ sông, kênh.
Cụ thể, sạt lở bờ kè kênh Thanh Đa cách cầu Kinh khoảng 50m (phường 25, quận Bình Thạnh) diễn ra cuối tháng 6. Vụ sạt lở còn lại tại bờ phải tuyến sông Sài Gòn, cách cầu Phú Long khoảng 2km (thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12) hồi đầu tháng 8…
Trong năm 2022, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xảy ra 4 vụ sạt lở bờ sông tại 3 huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm mất khoảng 2.110m2 diện tích đất.
Vì vậy, để chủ động phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ việc xây dựng các bến thủy nội địa, cảng thủy nội địa.
PV