Cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ 433/11 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10.
Cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ 433/11 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10.

Theo đó, UBND quận 10 đã họp báo thông tin công khai về việc xử lý các công trình trái phép quy mô lớn trên địa bàn.

Ông Đặng Hoàng Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10 cho biết, giai đoạn cuối năm 2018 và trong năm 2019, trên địa bàn phường 12 xảy ra tình trạng một số công trình xây dựng vi phạm sai phép, không phép quy mô lớn được thực hiện bởi cùng một nhóm người có mối quan hệ bà con, họ hàng với nhau.

Đa số các hành vi vi phạm này là xây tăng tầng cao, bít ô thông tầng, tăng diện tích tầng lửng, nới rộng sân thượng. Đặc biệt, những người này có mối quan hệ với Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam (VAIDE).

Theo thống kê cho thấy, từ cuối năm 2018 đến năm 2019 trên địa bàn phường 12 có 6 công trình gồm (740/15A+17, 766/12 đường Sư Vạn Hạnh; 252/43, 252/45 đường Cao Thắng; 839/10 đường Lê Hồng Phong; 42/2 đường Trần Thiện Chánh) do ông Vũ Văn Quang và người thân trong gia đình tổ chức thi công xây dựng sai phép, không phép. Tại thời điểm lập biên bản xử lý, cơ quan chức năng ghi nhận diện tích vi phạm 400-600m2/công trình, thậm chí có công trình diện tích vi phạm lên đến 900m2.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga - Phó Chủ tịch UBND quận 10 cho biết, tầng cao tối đa khu vực này 6-7 tầng, tùy theo chức năng. Tuy nhiên, chủ đầu tư bất chấp, cho xây vượt lên 9-10 tầng. Ngoài ra, sau khi hoàn thiện, chủ đầu tư còn tự ý chuyển đổi công năng công trình làm khách sạn, karaoke. Các công trình vi phạm nêu trên đã được Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM và UBND quận 10 lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt, cưỡng chế, tuy nhiên việc cưỡng chế, xử lý đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Hầu hết chủ đầu tư công trình vi phạm không hợp tác, thậm chí cản trở, chống đối khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Đáng chú ý, một số chủ đầu tư công trình vi phạm là thành viên của một hiệp hội. Hiệp hội này có văn bản gửi Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM, tác động quận cho tồn tại công trình trái phép”, bà Thu Nga giải thích thêm.

Đồng thời, UBND quận 10 cho hay, thủ tục, quy trình xử lý các công trình vi phạm còn bất cập cũng góp phần gây khó khăn trong quá trình xử lý. Khi phát hiện vi phạm thì chủ đầu tư được phép điều chỉnh giấy phép xây dựng trong 60 ngày. Trong khoảng thời gian này, chủ đầu tư tìm cách né tránh các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng.

“Không những thế, họ còn tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang kinh doanh khách sạn, karaoke, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tiếp xúc, vận động, kiểm tra, nhắc nhở”, bà Thu Nga nói và cho biết, từ ngày 8/4 sẽ tháo dỡ 6 công trình “khủng” xây trái phép này, khi đó, mọi chi phí phát sinh trong quá trình cưỡng chế, tháo dỡ đều do người nhận văn bản chi trả.

“Trước khi triển khai công tác cưỡng chế, tháo dỡ đối với các công trình xây dựng vi phạm này, quận 10 muốn cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ nhất cho các phương tiện truyền thông, báo chí để sự việc được hiểu đúng, hiểu đủ, không bị đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc về công tác quản lý địa bàn cũng như cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng của quận”. Bà Nguyễn Thị Thu Nga Phó Chủ tịch UBND quận 10 nhấn mạnh.

 Thuận Yến