Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh, đề xuất quan trọng này được đưa ra nhằm thực hiện theo chỉ đạo, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP. HCM diễn ra trước đó.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Sở GTVT TP. HCM cũng nhận định, do lượng hàng qua cảng biển TP. HCM chiếm đến 60% là hàng đến từ các địa phương khác, nên TP thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa mở tờ khai tại các địa phương khác cao hơn nhiều so với hàng hóa mở tờ khai tại TP. HCM. Mục đích là để điều tiết lại lượng hàng qua các cảng biển khác như ở: Đồng Nai, Long An...

Tuy nhiên, sau 02 tháng kể từ ngày áp dụng thu phí, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) ở các địa phương chưa có sự thay đổi, vẫn còn giữ các tập quán, thói quen luồng hàng trong xuất nhập khẩu hàng hoá.

Số đông DN vẫn lựa chọn cảng biển TP. HCM là nơi để xuất khẩu hàng hóa, việc này dẫn đến lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hoá từ các địa phương khác về hệ thống cảng biển TP. HCM thời gian qua không giảm, bị quá tải, chưa đạt được mục tiêu đề ra về điều tiết giao thông.

Giải quyết tình trạng kéo dài như trên, Sở GTVT TP. HCM đã đưa ra đề xuất thiết lập, giữ mức thu phí hạ tầng cảng biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại các địa phương khác bằng mức phí hỗ trợ như các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại TP. HCM.

Không chỉ vậy, TP. HCM dự định sẽ giảm 50% mức phí với các hàng hoá xuất, nhập khẩu vận chuyển bằng đường thuỷ nội địa. Việc này nhằm khuyến khích các DN giảm tỉ lệ sử dụng chuyên chở đường bộ, thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa sang phương tiện thủy. Góp phần giảm dần sự phụ thuộc vào đường bộ, cải thiện tình trạng ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông.

Tin vui là theo đánh giá hiện nay, việc vận chuyển đường thuỷ có chi phí rất thấp, số lượng hàng mỗi lần chở lại được nhiều hơn phương tiện khác. Tuy nhiên thị phần chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại chủ yếu thông qua đường bộ đến các cảng.

Một vướng mắc nữa liên quan đến loại hàng hóa thu phí, là đối với hàng hoá chuyển khẩu là loại hàng không phải làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục khi xuất khẩu khỏi Việt Nam. Quá trình vận chuyển hàng hóa có thể không qua cửa khẩu Việt Nam. Trong trường hợp hàng chuyển khẩu không xếp dỡ hàng xuống khu vực cửa khẩu, mà vẫn phải nộp phí hạ tầng cảng biển như các loại hàng khác là chưa được hợp lý.

Do đó, Sở GTVT TP. HCM đã đề nghị đối các loại hàng chuyển khẩu có hoạt động xếp dỡ xuống khu vực cửa khẩu cảng biển thì mới thu phí và mức thu phải bằng mức thu hàng hóa xuất nhập khẩu.

Sở GTVT TP. HCM kiến nghị UBND TP. HCM thực hiện xem xét chấp thuận, trình HĐND TP. HCM xem xét điều chỉnh trong tháng Bảy tới.

Hiện, mức thu phí hạ tầng cảng biển thấp nhất là 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP. HCM); cao nhất là 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu) (mức phí này được bắt đầu áp dụng từ 0h ngày 01/04/2022).

Tính toán của Sở GTVT TP. HCM, sau hai tháng vận hành thu phí cảng biển, mức phí đã thu được lên đến hơn 500 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển sẽ đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng.

Lê Pháp (T/h)