Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, không chỉ nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn mà thị trường xuất khẩu cũng bị đứt đoạn, đơn hàng giảm mạnh.
Kết thúc năm 2020, Việt Tiến đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh đã đề ra. Cụ thể, doanh thu đạt 7.118,6 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch, đạt 78,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 170,7 tỷ đồng, vượt 13,8%so với kế hoạch, đạt 44,8% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân người lao động đạt 9.549.000 đồng/ người/ tháng.
Ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến cho biết, năm 2021, khó khăn về thị trường xuất khẩu vẫn tiếp diễn do tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, các nước vốn nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng may mặc của Việt Nam trước đây hiện đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch cùng với số người mắc bệnh không ngừng gia tăng.
Xác định thị trường năm 2021 còn nhiều diễn biến khó lường, Việt Tiến đặt mục tiêu tổng doanh thu 8.090 tỷ đồng, tăng 14% so với 2020, lợi nhuận trước thuế tăng 5%, đạt 180 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động tăng 5%, đạt 10.000.000 đồng/người/ tháng.
Mục tiêu đặt ra là vậy, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến mới đây đã báo lỗ xấp xỉ 32 tỷ đồng trong quý III/2021. Thêm khó hơn khi 4 công ty con và 20 công ty liên kết của May Việt Tiến, hiện đa số đều hoạt động tại các tỉnh thành có số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong làn sóng dịch lần thứ 4 vừa qua (TP. HCM, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ…).
Đây cũng là lý do khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Tiến cũng như các công ty con, công ty liên kết bị ảnh hưởng nặng nề với doanh thu sụt giảm mạnh và phát sinh thêm nhiều chi phí cho việc phòng chống Covid-19.
Dự báo, đại dịch Covid-19 còn phức tạp, kéo dài và Việt Tiến sẽ đối mặt với nhiều khó khăn; đáng chú ý là khó khăn phải cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh...
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo công ty đánh giá, với việc đóng của 3 thị trường lớn nhất Mỹ, EU, Nhật Bản... (chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may) sẽ khiến cho các doanh nghiệp nói chung, Việt Tiến nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất dệt may là sản xuất theo mùa và phần lớn sản xuất để phục vụ xuất khẩu.
Vì vậy, Tổng công ty đã đề ra những phương án kinh doanh phù hợp, tăng cường sự chủ động nhằm kịp thời ứng phó với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì buộc côngty phải tận dụng mọi nguồn lực để thực hiện các chính sách ưu tiên giữ lao động, giữ khách hàng và thị trường để đảm bảo duy trì năng lực sản xuất và có thể nhanh chóng khôi phục và ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty ngay sau hết dịch bệnh.
Cùng với đó, doanh nghiệp tiếp tục áp dụng công nghệ vào nhiều khâu của quá trình sản xuất, như công nghệ Lean, đưa vào vận hành máy in vải kỹ thuật số hiện đại, không ô nhiễm môi trường, đáp ứng cho công tác thiết kế, phát triển mẫu của Trung tâm phát triển mẫu Dương Long R&D, phục vụ cho việc sản xuất các đơn hàng ODM và nội địa, sắp xếp lại nhân sự cũng như mô hình quản lý, tổ chức sản xuất, cải tiến tiền lương, đầu tư chiều sâu, dịch chuyển sản xuất từ thành phố về các địa phương, thành lập đơn vị sản xuất mới tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ.
Ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Việt Tiến nhấn mạnh, sau 04 tháng giãn cách ứng phó với dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, công ty đã chi 600 tỷ đồng để trả lương cho lao động. Đó là chưa kể chi phí vận hành nhà máy, điện, nước, bảo trì, test Covid-19…
Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng với phương án sản xuất 3 tại chỗ, công ty chỉ vận hành được 1/3 công suất, dẫn đến việc đáp ứng hợp đồng xuất khẩu chậm trễ, doanh nghiệp bị phạt do chậm giao hàng. Nhiều khách hàng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam dịch chuyển sang các nhà cung cấp Nam Mỹ.
Đợt ứng phó dịch bệnh Covid-19 kéo dài vừa qua đã đánh mạnh vào nội lực doanh nghiệp. Nhiều chi phí phát sinh nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng đầu tư dù không hiệu quả như mong muốn.
Cho đến nay, người dân tại TP. HCM đã hoàn thành mũi 2 và mũi 1 vaccine Covid-19, tăng miễn dịch cộng đồng, nhưng các đơn vị sản xuất của Việt Tiến tại Bến Tre lại chưa được phủ vaccine. Vì vậy, giải pháp gốc rễ để doanh nghiệp cầm cự được vẫn là tiêm vaccine. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố của khu vực phía Nam cũng cần đồng bộ giải pháp phủ đều vaccine để các mắt xích trong sản xuất được liền mạch.
Để doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì sản xuất sau thời gian dài cầm cự ứng phó dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành dệt may nói chung, Công ty cổ phần May Việt Tiến nói riêng rất cần những chính sách hỗ trợ tài chính, vaccine, tạo thuận lợi trong vận chuyển mới có thể dần hồi phục như trước đây.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ).
Hoan Nguyễn