Tiền điện tử: Tiềm ẩn rủi ro “rửa tiền” - Hình 1

Tiền điện tử - Tiềm ẩn rủi ro “rửa tiền”

Tiền điện tử (hay tiền mã hóa) là phương thức trao đổi sử dụng mật mã để đảm bảo an toàn giao dịch và kiểm soát các đơn vị tiền mới được tạo ra. Loại tiền này trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian, giúp giảm thiểu phí giao dịch. Tiền điện tử được hoạt động dưới hình thức đồng Bitcoin, đồng Ethereum, đồng Steem…

Tại Việt Nam, tiền điện tử đã xuất hiện từ lâu dưới nhiều hình thức. Trong đó, phổ biến nhất là loại tiền điện tử offline (thẻ trả trước, thẻ thông minh), tiền điện tử online (ví điện tử), đồng Bitcoin… Thực tế những năm qua, đồng Bitcoin đã liên tục tăng, có thời điểm đã tạo thành cơn sốt... Theo dữ liệu của Coindesk, sau khi tăng lên mức giá 4.000 USD vào trung tuần tháng 8/2017 và vượt 4.500 USD vào ngày 18/8, giá Bitcoin trong ngày 29/8/2017, có lúc lên tới 4.693,24 USD.

Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Theo lộ trình, cần báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018 và đến cuối năm 2018, phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.

Đồng thời, đến tháng 6/2019, cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.

Bước đi này của Chính phủ là một sự chuẩn bị hết sức cần thiết, kịp thời và phù hợp để đón đầu, từng bước tạo hành lang pháp lý trong việc ứng xử với các loại tài sản và đồng tiền công nghệ trong tương lai.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cần phải thấy rằng phê duyệt Đề án nghiên cứu về Bitcoin và thừa nhận Bitcoin là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Nói cách khác, không có gì bảo đảm rằng Chính phủ sẽ thừa nhận và bảo hộ cho Bitcoin trong tương lai khi đề án này được hoàn thiện, triển khai.

Theo TS. Hiếu, chỉ có thể chấp nhận Bitcoin là một sản phẩm hàng hóa trừu tượng được giao dịch trao đổi qua lại trong một phạm vi nhất định. Muốn như thế, Chính phủ cần phải có những quy định cụ thể cho các đồng tiền kỹ thuật số, cụ thể phải định nghĩa được các loại tiền kỹ thuật số là gì? Được giao dịch như thế nào?...

Đặc biêt, quy định chặt chẽ về việc cấp phép hoạt động cho các trung tâm giao dịch. Các trung tâm giao dịch phải đảm bảo được đăng ký theo Luật DN, phải có vốn hóa, có địa chỉ, có ban quản lý… đảm bảo tính công khai, minh bạch. Việc này giúp giảm rủi ro cho các nhà đầu tư; mặt khác, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc quản lý các giao dịch từ phía nhà đầu tư, cũng như các trung tâm. Ngoài ra, cũng tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng chuyển tiền kỹ thuật số ra nước ngoài để thực hiện hành vi rửa tiền.

Trong khi NHNN khẳng định, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và đồng Bitcoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm, không được pháp luật công nhận. NHNN cùng đã nhiều lần cảnh báo những rủi ro đến tiền ảo Bitcoin. NHNN cho rằng, sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng…

Phan Chinh